Đã có sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam

22/09/2016 09:14 AM



Các địa phương trong vùng có dịch đang phun thuốc phòng dịch

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh do virus Zika đang tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe.

Tại Đông Nam Á, có 7 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika; còn lại Lào, Brunei và Myanmar chưa ghi nhận có ca bệnh nào. Hầu hết các nước trong khu vực ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika trong hai năm gần đây. Tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 314; số ca mới mắc trong các tuần gần đây là 35. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch với số trường hợp mắc bệnh tăng nhanh (368 ca)...

Kết quả giải trình tự gen cho thấy, đây là chủng virus có nguồn gốc châu Á, đã từng lưu hành trong những năm 1960, không phải chủng xâm nhập từ châu Mỹ. Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến ngày 16/9, hệ thống giám sát dịch bệnh đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với Zika tại TP.HCM, Khánh Hòa, Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm virus Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Trong đó, mẫu virus Zika tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu virus Zika tại TP.HCM có nguồn gốc từ châu Mỹ. Ngoài ra, có 3 trường hợp là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam. Bộ Y tế nhận định và dự báo, các ổ dịch virus Zika ở Việt Nam hiện nay là các ca bệnh đơn lẻ; tuy nhiên, trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh mới.

Tại cuộc họp khẩn về ứng phó với Zika qua video của 10 Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn các nước ASEAN và WHO Tây Thái Bình Dương tổ chức chiều 19/9, các Bộ trưởng đã nhất trí tăng cường chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh do virus Zika gây ra, cũng như các bệnh mới nổi và tái xuất hiện ở khu vực. Các biện pháp được áp dụng trong cả khu vực gồm: Tăng cường giám sát dịch trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế (WHO, ASEAN-EOC, Mạng lưới đào tạo dịch tễ học ASEAN+3 (APT-FETN)); kiểm soát nguy cơ bằng cách tăng cường các phương pháp kiểm soát vector, đảm bảo tiếp cận chẩn đoán, xét nghiệm Zika trong các nước; củng cố mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia và truyền thông thích hợp; tiến hành nghiên cứu và chia sẻ kiến thức mới về bệnh liên quan tới virus Zika, thông qua cơ chế hợp tác dựa vào ASEAN (gồm APT-FETN, SEAMEO-TROPMED và các diễn đàn khác khác bao gồm Chương trình An ninh Y tế toàn cầu GHSA).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ; cập nhật kế hoạch; hướng dẫn giám sát và đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Ngoài ra, còn yêu cầu các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch trên toàn quốc nhằm tăng cường việc giám sát, truyền thông phòng chống dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ các đối tượng về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika; hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế để khám và điều trị./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội