Thông tuyến khám chữa bệnh - vừa mừng vừa lo

23/09/2016 07:58 AM



Khám bệnh tại phòng khám nhi BVĐK TP.Buôn Ma Thuột

Bệnh viện tuyến huyện “hút” bệnh nhân

Một ngày giữa tuần, phòng chờ khám bệnh BHYT của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đông nghịt người, không ít người dân đến từ các huyện trong tỉnh và cả tỉnh ngoài. Bà L.T.Y (56 tuổi, trú H.Cư Jút, Đắk Nông) đang chờ khám tại bệnh viện này cho biết thẻ BHYT của bà được đăng ký KCB ban đầu ở BVĐK H.Cư Jút. Tuy nhiên, gần đây nghe thông tin về thông tuyến KCB, người dân có thẻ BHYT có thể đến các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh, hoặc đến bệnh viện tuyến huyện của tỉnh khác nên bà đến đây đăng ký khám. “Trước khi chia tỉnh, huyện Cư Jut còn nằm trong tỉnh Đắk Lắk thì tôi thường khám và điều trị bệnh ở BVĐK TP.Buôn Ma Thuột. Nay nhà nước cho thông tuyến thì người dân chúng tôi mừng lắm vì lại có cơ hội đến với bệnh viện tin cậy mà mình từng khám chữa bệnh trước đây”, bà Y. nói.

Trên thực tế, số bệnh nhân ngoài tỉnh đến KCB theo hình thức thông tuyến ở BVĐK TP.Buôn Ma Thuột chưa nhiều, phần lớn là người dân cư trú ở các xã, phường thuộc thành phố, mặc dù thẻ BHYT đăng ký KCB ở tuyến y tế cơ sở. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó giám đốc BVĐK TP.Buôn Ma Thuột, cho biết từ quý 2 năm nay trở đi, số lượng người đến KCB tại BV tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm 2015. 8 tháng đầu năm 2016, BV đón nhận 134.100 lượt người đến khám bệnh và 9.417 lượt bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú; so với cùng kỳ năm trước 125.800 lượt người khám, 6.518 lượt người nhập viện. Theo ông Thịnh, số lượt người KCB tăng phần lớn do những quy định cởi mở về thông tuyến KCB theo Luật BHYT sửa đổi.

Ông Thịnh cho biết ngay từ năm 2015, để đón đầu thực hiện thông tuyến, đáp ứng nhu cầu của số lượng người KCB tăng lên, BV đã khẩn trương chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, tăng số phòng khám nội từ 2 lên 5 phòng, phòng khám nhi từ 1 lên 3 phòng, trang bị thêm các máy móc, thiết bị kỹ thuật cao… Ông Thịnh thông tin: “Trước đây, bệnh viện tiếp đón bình quân mỗi ngày khoảng 700 người đến khám bệnh thì sau khi thông tuyến bình quân mỗi ngày gần 1.000 người, cao điểm có ngày tới 1.200 - 1.300 người đến khám. Vào thời điểm dịch bệnh như sốt xuất huyết, nhiều khoa tăng bệnh nhân nhập viện, như khoa nhi chỉ có 50 giường nhưng có tới 120 bệnh nhân; khoa nội cũng tới 80 bệnh nhân trong khi chỉ có 50 giường”. Theo ông Thịnh, để khắc phục tình trạng quá tải ở một số khoa điều trị, BV nhanh chóng có giải pháp đầu tư mua thêm giường bệnh, điều chuyển giường từ các khoa ít bệnh nhân… Cung cách phục vụ của BV cũng được cải thiện tích cực, hằng ngày y bác sĩ ở các phòng khám có mặt lúc 6g30 để sớm tiếp đón bệnh nhân, khám bệnh ngay trong ngày, không để bệnh nhân chờ đợi lâu; các phòng chờ có nhân viên hướng dẫn, được trang bị quạt, tivi, cung cấp nước uống miễn phí…

Áp lực lên quỹ BHYT

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1.1.2016, người có thẻ BHYT được KCB ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu và được thanh toán theo đúng mức hưởng BHYT. Quy định này tạo thuận lợi cho những người có thẻ BHYT khi không cần giấy chuyển viện vẫn được KCB và bảo đảm quyền lợi tại tất cả các cơ sở KCB cùng tuyến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Buôn Ma Thuột, cho biết do quy định trên, từ đầu năm đến nay, có sự dịch chuyển khá lớn của người có thẻ BHYT ở các huyện trong tỉnh, hoặc ở các xã, phường của thành phố đến KCB ở các BV hạng 3, phòng khám đa khoa, đặc biệt là ở BVĐK TP.Buôn Ma Thuột. “Qua thăm dò, khảo sát, đa số người bệnh hài lòng với quy định thông tuyến KCB vì không bị khống chế KCB ở tuyến cơ sở như trước đây mà có thể KCB ở bất kỳ bệnh viện hạng 3 nào. Bệnh nhân cũng phản ảnh gặp thuận lợi khi được đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế kỹ thuật cao”, bà Trà chia sẻ. Tuy nhiên, theo bà Trà, con số bệnh nhân tăng nhanh ở BVĐK TP.Buôn Ma Thuột cũng tạo ra bất cập ở chiều ngược lại đối với các trạm y tế xã, phường; nhiều trạm y tế giảm đáng kể lượng người có thẻ BHYT đến KCB, thậm chí một số trạm giảm còn 20 - 30% số người đến KCB so với trước khi có thông tuyến.

Ngoài ra, theo bà Trà, bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến KCB tại BVĐK TP.Buôn Ma Thuột tăng về số lượng do thông tuyến cũng gây áp lực tăng chi đối với Quỹ KCB BHYT của thành phố. “Trước đây, mỗi quý Quỹ BHYT thành phố chi khoảng 15 tỉ đồng, thì nay chi thanh toán KCB BHYT có thể lên đến 20 tỉ đồng”, bà Trà cho biết.

Ở phạm vi toàn tỉnh, thông tuyến KCB cũng làm tăng lượng bệnh nhân ở các BV tuyến huyện. Theo Phòng Giám định BHYT Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, bệnh nhân KCB thông tuyến huyện toàn tỉnh là 71.041 lượt người, tăng 28.203 lượt người so với cùng kỳ năm trước (tỉ lệ tăng 65,84%); trong đó bệnh nhân nội tỉnh là 49.009 lượt người, tăng 26.402 lượt người (tỉ lệ tăng đến 116,8%). Các cơ sở KCB có số bệnh nhân khám tăng so với năm 2015 do được thông tuyến là các BVĐK: TP.Buôn Ma Thuột, H.Krông Pắk, H.Ea Kar, H.Krông Năng, TX.Buôn Hồ, Khu vực 333, Cao Nguyên, BV Mắt Tây Nguyên; các phòng khám đa khoa Đất Việt và Hoàn Hảo.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Giám định BHYT, cho rằng bên cạnh nguyên nhân số bệnh nhân thông tuyến tăng, việc thực hiện giá dịch vụ y tế mới từ ngày 1.3.2016 (theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính) cũng khiến chi phí thanh toán KCB tăng thêm. Ngoài ra, theo bà Liên, qua công tác giám định BHYT cho thấy tăng chi phí KCB còn ở chỗ một số cơ sở KCB chỉ định các dịch vụ y tế, hoặc thuốc đắt tiền không cần thiết cho bệnh nhân... “Ngành y tế cần chuẩn hóa các xét nghiệm cận lâm sàng, nhất là khi bệnh nhân đã được chỉ định xét nghiệm ở bệnh viện tuyến huyện thì lên tuyến trên cần công nhận các kết quả đó. Bởi nếu thực hiện lặp lại các xét nghiệm sẽ gây tốn kém, lãng phí, làm tăng chi phí KCB”, bà Liên nói.

Theo bà Liên, việc thực hiện thông tuyến KCB đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người có thẻ BHYT, đồng thời cũng thúc đẩy các cơ sở y tế tăng cường chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính để thu hút người dân đến KCB. Tuy nhiên, ngành y tế cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, bổ sung nguồn nhân lực để các cơ sở y tế tuyến xã làm tốt công tác KCB, tránh tình trạng bệnh nhân dồn lên tuyến trên gây quá tải.

Tăng cường quản lý chi phí KCB BHYT

Tại hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT vừa qua tại Đắk Lắk, Bảo hiểm xã hội VN đánh giá nhiều mặt tích cực của thông tuyến KCB BHYT. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT cũng diễn ra nhiều nơi, ngày càng tinh vi, với nhiều biểu hiện như: cơ sở y tế chỉ định cho người bệnh sử dụng nhiều thuốc đắt tiền quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, sử dụng vật tư y tế giá cao không hợp lý, thống kê thanh toán không đúng quy định…
Theo Bảo hiểm xã hội VN, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ sở KCB trong vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm phát hiện, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng việc KCB để trục lợi Quỹ KCB BHYT; tăng cường tuyên truyền để người tham gia BHYT hiểu và thực hiện đúng các chính sách, quy định về KCB BHYT.



Nguồn: Báo Thanh niên điện tử