Khám sàng lọc dinh dưỡng: Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh

23/09/2016 08:07 AM



Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng nhu cầu duy trì sức khỏe, bảo đảm hoạt động chức năng của các cơ quan, hỗ trợ tế bào, mô tăng trưởng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, bao gồm: Nghèo; đói ăn; ăn không đủ chất; ăn uống thiếu cân bằng; bẩm sinh sức khỏe kém; chán ăn; ung thư; bệnh lao; tiểu đường; suy nhược thần kinh; mất ngủ; bệnh ở các cơ quan tiêu hóa; HIV/AIDS; viêm gan và các nguyên nhân khác. Người bị suy dinh dưỡng thường có tâm lý bất an, hay cáu gắt, chán ăn, chức năng tiêu hóa suy yếu, hấp thu dinh dưỡng không tốt... gây ra tình trạng mất cân bằng trong cung cấp dinh dưỡng, năng lượng với nhu cầu của cơ thể, nhất là tại các tế bào. Những triệu chứng trên dễ nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi thông thường nên đã có trường hợp bị suy dinh dưỡng lâu ngày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh Trung ương nhưng bản thân người bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh. Đối với người đang mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lao, tiểu đường, viêm gan, hen suyễn, xương khớp...) mà không may suy dinh dưỡng, thì ảnh hưởng của bệnh sẽ tăng lên; tinh thần, cũng như thể trạng người bệnh dễ suy yếu hơn; dễ bị biến chứng, nhiễm khuẩn xâm nhập hơn.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), 24,6% trẻ em Việt Nam dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; 9,1% bị thiếu máu; 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 05 tuổi vào khoảng 15,1%. Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng trong bệnh viện lên tới 30% - 60% (trên thế giới, ở mức 20% - 50%); trong khi suy dinh dưỡng trong cộng đồng khoảng 6%. Suy dinh dưỡng trong bệnh viện gây ra tình trạng suy yếu (do bệnh tật) và dinh dưỡng kém (hấp thu không đầy đủ chất dinh dưỡng). Cũng đã có nhiều công cụ tầm soát và đánh giá suy dinh dưỡng như tầm soát suy dinh dưỡng (MST), đánh giá tổng thể chủ quan (SGA), tầm soát nguy cơ dinh dưỡng 2002 (NRS-2002), tầm soát suy dinh dưỡng phổ quát (MUST)... tuy nhiên, có một thực tế là vấn đề dinh dưỡng thường bị bác sỹ hay các cơ sở y tế chưa thực sự coi trọng; mặc dù, sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm tăng biến chứng (viêm loét, nhiễm trùng); kéo dài thời gian và tốn kém chi phí điều trị bệnh; tăng tỷ lệ nhập viện và tái nhập viện sau điều trị; tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh lên 2-3 lần; tạo gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình họ và xã hội. Không chỉ vậy, còn tạo áp lực đối với cơ sở y tế, bởi người bệnh suy dinh dưỡng có tỷ lệ biện chứng cao hơn, công tác chăm sóc, điều dưỡng tốn công, tốn người hơn, cần cung cấp nhiều thuốc, vật tư y tế hơn... và góp phần dẫn đến đến tình trạng quá tải bệnh viện. Vì vậy, hơn lúc nào hết, khám sàng lọc hay tầm soát dinh dưỡng sớm là việc vô cùng cần thiết. Theo số liệu của các chuyên gia, nếu làm tốt công tác này, sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong, nhiễm trùng bệnh viện; giảm từ 10% - 15% chi phí điều trị; giảm trung bình khoảng 03 ngày nằm viện... Bởi khi khám sàng lọc hay tầm soát dinh dưỡng sớm, sẽ nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh, cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh để hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị bệnh nền (bệnh chính) của người bệnh. Mục tiêu xa hơn, việc này không chỉ dừng ở bệnh viện mà nên mở rộng ra cộng đồng, nhằm góp phần củng cố, phát triển và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân.

Bên cạnh khám sàng lọc, mỗi người cần quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng của bản thân vì đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường, cũng như cải thiện sức khỏe, như các cụ ta có câu: “Bệnh từ miệng mà vào”. Lưu ý:

- Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo nhiều yếu tố (sức khỏe, tuổi tác, giới tính...), do đó, cần ăn uống đủ bữa, đủ chất nhưng phải bảo đảm cân đối bằng cách kết hợp thực phẩm từ 04 nhóm thức ăn chính: Chất bột (gạo, khoai, sắn, ngô...), đường; chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa...); chất béo; vitamin (trong đó, có rau quả), muối khoáng, chất xơ. Nên ăn đủ 03 bữa/ngày với lượng vừa đủ, không để quá đói, không nên quá no vì quá đói hay quá no đều có hại cho sức khỏe, góp phần gây nên mệt mỏi, suy nhược cơ thể, thiếu cân bằng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì), mắc các bệnh về dạ dày, đường ruột...

- Không nên ăn quá mặn, nhiều đường, lạm dụng chất béo. Trung bình một ngày chỉ nên ăn 6-8g muối; một số thực phẩm có hàm lượng muối cao như rau củ muối, các loại thịt đóng hộp, xông khói, thực phẩm chế biến sẵn... cũng phải hạn chế. Còn đường làm thay đổi quá trình trao đổi thức ăn trong cơ thể người, mỗi tháng dùng tối đa 500g đường; không nên uống nhiều nước có gas, nước ngọt vì chúng có lượng đường nhiều hơn ta tưởng, thay vào đó nên sử dụng nước lọc, trà xanh. Chất béo tuy quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng nuôi sống cơ thể nhưng nên hạn chế (600g/tháng) vì nếu không dễ mắc bệnh béo phì, tim mạch, tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyên rằng, nên hạn chế chất béo bão hòa, chất béo hòa tan (các loại thịt đỏ) và ưu tiên chất béo không bão hòa đa, chất béo không bão hòa đơn có trong cá, các loạt hạt (vừng, lạc, hạnh nhân...), đậu nành, quả bơ...

- Tăng cường rau, củ, quả trong bữa ăn hàng ngày vì có nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ cần thiết; khoảng 300g rau/người/ngày. Nếu gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, hợp lý một cách thường xuyên (ví dụ, làm công việc ca kíp, hay di chuyển...), có thể bổ sung dinh dưỡng một số sản phẩm thay thế (thực phẩm chức năng, viên dinh dưỡng...) nhưng nên theo chỉ định của bác sỹ, không nên tùy tiện sử dụng.

- Cần lưu tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Rửa tay trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Chỉ ăn thức ăn tươi, thức ăn đã nấu chín; bảo quản thực phẩm, cũng như thức ăn cẩn thận, đúng cách để ngăn ngừa vi khuẩn lây chéo từ đồ sống sang đồ chín. Sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống hay chế biến thực phẩm.

- Không nên thức khuya, hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia. Tùy theo lứa tuổi, thể chất, thời gian..., có chế độ luyện tập thể thao đều đặn, hợp lý. Bởi theo các chuyên gia, tập luyện thể thao giúp làm tăng hệ thống miễn dịch; tốt cho tim mạch, làm giảm cholesterol LDL gây nghẽn động mạch, giúp máu lưu thông đến tim dễ dàng; chống lại bệnh giảm trí nhớ ở người cao tuổi; giữ gìn vóc dáng, cải thiện cân nặng; giảm stress – căn bệnh đang là mối lo ngại của xã hội trong cuộc sống hiện đại./.





Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội