Nhờn kháng sinh: Báo động về nguy cơ không còn thuốc chữa bệnh

26/09/2016 09:13 AM



Mặc dù chưa có các điều tra đánh giá cụ thể, song Việt Nam hiện là quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới và ngày càng gia tăng. Kết quả phân lập vi khuẩn của ANSORP cho thấy, tỷ lệ kháng Penicillin ở Việt Nam hiện cao nhất châu Á với mức 71,4%. Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh Erythromycin (một loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn) ở mức báo động nhất châu Á với tỉ lệ 92,1%. Tỷ lệ kháng với nhóm kháng sinh Carbapenem (nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay) tại Việt Nam hiện lên đến 30%), đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. Việt Nam đã ghi nhận không ít nhất vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Trong lĩnh vực phòng chống và điều trị lao, theo đánh giá của WHO, ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc, với tỉ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).

Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam chưa được xác định đầy đủ do có ít tài liệu và giám sát về nhiễm khuẩn bệnh viện được công bố. Tuy nhiên, điều tra mới nhất năm 2005 cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại 19 bệnh viện toàn quốc là 5,7% và viêm phổi bệnh viện cũng là nguyên nhân thường gặp nhất (55,4%). Theo đánh giá của Bộ Y tế trong chương trình hành động quốc gia về kháng thuốc đến năm 2020: Việc kháng sinh sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Trong chăn nuôi công nghiệp, có hiện tượng lạm dụng quá nhiều các loại kháng sinh tổng hợp, số hộ sử dụng thuốc kháng sinh có từ 3 - 6 hoạt chất chiếm 27% số trang trại nuôi lợn thịt, 24% trang trại nuôi lợn con và 10% số trang trại nuôi gà thịt. Việc sử dụng kháng sinh và hóa chất thú y chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn tới người chăn nuôi thường tự ý tăng liều và liệu trình điều trị. Cụ thể, tỉ lệ trang trại sử dụng kháng sinh theo triệu chứng bệnh chiếm tới 44%; sử dụng theo chỉ định của thú y viên là 33%; sử dụng kháng sinh theo khuyến cáo của nhà SX chiếm 17% và chỉ 6% trang trại sử dụng kháng sinh theo kết quả thử nghiệm kháng sinh đồ..../.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội