Học và làm theo Bác về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm

03/10/2016 06:58 AM



Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả, vừa thiết thực, giản dị mà Người để lại cho dân tộc ta, là một chỉnh thể với nội dung nhiều tầng ý nghĩa, phát triển theo lôgíc đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày, trong đó phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của một vị lãnh tụ luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, vì nước, vì dân mà hy sinh quên mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ luôn gần dân, sâu sát, gần gũi, lắng nghe, tôn trọng và học hỏi nhân dân. Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng, đạo đức, nhân cách bên trong ấy đã thể hiện rõ khi Người luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với nhân dân, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người nhìn thấy sức mạnh của nhân dân không chỉ đơn thuần là sức mạnh chính trị mà còn là chiều sâu nhân văn: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”([1]). Trong chiều sâu tư tưởng của Người, dân là gốc của nước, là nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng nhân dân, vì “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên”; “nước lấy dân làm gốc”([2]); “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”([3])… giúp mỗi người hiểu vì sao Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng của nhân dân Quảng Bình: Dễ mười lần không dân cũng chịu - Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu cho một xã hội mà ở đó dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc là tiêu chí xem xét một cuộc cách mạng, cũng là sự nghiệp cả cuộc đời Người mong đạt tới. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”([4]). Có thể khẳng định, yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người Hồ Chí Minh, thể hiện rõ qua nói căn dặn:“Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”([5]). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là người làm ra lịch sử, làm nên thành công của cách mạng, là người chủ đất nước, vì vậy, mỗi đảng viên, cán bộ ở bất cứ cương vị nào, làm công việc gì đều phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Dựa vào nhân dân để lãnh đạo, quản lý, nhằm phục vụ nhân dân là đặc trưng cơ bản, thể hiện bản chất của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào trong nhân dân, Hồ Chí Minh thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ cho nhân dân. Theo Người, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân. Vì vậy, khi đề ra đường lối, chính sách, giải quyết nhiệm vụ chính trị, theo Hồ Chí Minh, cần phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng, phải dùng kinh nghiệm dân chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn gương mẫu, thống nhất giữa nói và làm. Gắn vai trò dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân với nghiêm túc thực hành kỷ luật Đảng, những điều quy định đảng viên không được làm, thực hiện nghiêm túc Điều lệ  Đảng cũng là đạo đức của người đảng viên và cũng chính là học và làm theo Bác về phong cách nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống và là đạo lý của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Nói đi đôi với làm, đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước để mọi người bắt chước. Tự mình phải gương mẫu thực hiện nêu gương trước mới giúp người khác làm theo, bản thân mình không gương mẫu thì không thể nói ai được.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương và nói đi đôi với làm thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần nêu gương và thực hiện nói đi đôi với làm trên cả ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình: phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người: luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng; thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư).

Suốt đời, Hồ Chí Minh là một tấm gương về phong cách nêu gương về đạo đức, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tấm gương đạo đức của Người chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm, thể hiện từ việc Người kêu gọi toàn dân tiết kiệm và bản thân Người nghiêm túc thực hiện trong ăn, mặc, sinh hoạt và làm việc hằng ngày. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Bộ đội, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai sắn, Người  cũng yêu cầu nấu cơm độn 50% đúng như mọi người. Đồ dùng sinh hoạt cá nhân của Người rất giản dị và rất tiết kiệm. Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; những “người tốt, việc tốt”. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác... rộng khắp trong cả nước. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” và “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó phong cách làm việc nêu gương là một nhân tố quan trọng cấu thành nên phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên.

Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”([6]). Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng phong cách nêu gương Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Học tập và làm theo phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mặt thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình. Học tập và làm theo phong cách nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của Người để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị, với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước thời gian qua luôn gắn liền với vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cố gắng của bản thân mỗi người trong việc rèn luyện phong cách làm việc gần dân, vì dân và mẫu mực nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của Bác Hồ. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo… Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phong cách làm việc, thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm, góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”, và nhất là triển khai sâu rộng Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, chủ đề năm 2014 "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm"./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.10, tr. 453

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 501

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 502

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.501

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 65

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16



Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương