Thấm nhuần đạo làm người theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

06/10/2016 01:48 AM



Bình sinh, Hồ Chí Minh đã nói về đạo làm người, coi nó là một phần không thể thiếu của đạo đức và rèn luyện đạo đức, vì đạo đức là gốc, là nền tảng cần có để mỗi người sống và làm việc đúng đạo lý. Nhớ về Người, chúng ta không chỉ nhớ về những cống hiến vĩ đại, mà còn vì tấm gương đạo đức mẫu mực của Người: “Những người trên thế giới này, ngay trong một nước cũng như từ nước này sang nước khác, có bao nhiêu điều không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về cảnh ngộ sống, về trình độ hiểu biết, về xu hướng chính trị, xã hội hay tôn giáo; nhưng miễn là không phải bọn áp bức bóc lột, bọn xâm lược và tay sai của chúng, thì mỗi người đều có thể thấy ở cuộc chiến đấu và cuộc sống của Hồ Chủ tịch, những điều mà mình hàng ngày mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát muốn vươn tới”[1].

1. Đạo đức là gốc, là nền tảng của con người

Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh đã không chỉ kế thừa những khái niệm đạo làm người, đạo đức truyền thống mà còn tiếp thu, chắt lọc và phát triển vượt trội những khái niệm đó, làm phong phú hơn nội hàm của nó bởi sự gặp gỡ giữa quan điểm của Người với những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin về đạo đức cách mạng. Người đã nâng “đạo làm người”, bản chất nhân văn trong tư tưởng, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, của phương Đông lên một nấc thang giá trị mới.

Coi trọng phẩm chất hiếu học, sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trong tư tưởng của Khổng Tử, Hồ Chí Minh chú trọng tinh thần tu thân trong đạo làm người với mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh lại giảng “Tư cách người cách mệnh” cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu (1925-1927), mà nội dung số một là sự tu dưỡng của chính bản thân mỗi người. Đó là tự mình phải: "Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất"[2]…

Tình người, sự cảm thông chia sẻ, thương người như thể thương thân, bao dung nhân ái, uống nước nhớ nguồn… những phẩm chất cao quý ấy trong tấm lòng của mỗi người dân Việt được bồi đắp, phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã gặp gỡ, hoà quyện cùng với sự chắt lọc những giọt tinh túy trong đức tin, lòng từ bi, hỉ xả của Đức Phật, lòng nhân ái cao cả của Đức Chúa Giêsu, ý nghĩa cao đẹp và đạo đức cao thượng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của Đại cách mạng Tư sản Pháp 1789, đã góp phần làm cho quan niệm đạo làm người của dân tộc ta trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang hơi thở của của thời đại, phù hợp xu thế phát triển của nhân loại. Đặc biệt, khi trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh đã làm mới, tiếp biến giá trị đạo làm người, đạo đức theo học thuyết Mác- Lênin, đồng thời tìm thấy từ học thuyết cách mạng này khái niệm đạo đức mới, đó là đạo đức cách mạng, đạo làm người của những người cộng sản: Tình người, lòng yêu thương con người, tinh thần hy sinh, mình vì mọi người, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, coi hạnh phúc của mỗi người là được đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người; lòng yêu nước, thương dân; trung thành với lý tưởng của Đảng; giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;…

Điểm mấu chốt, sự khác biệt căn bản giữa đạo đức cũ và đạo đức mới, là “đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”. Đạo đức cũ là đạo đức của giai cấp tư sản, của phong kiến, đạo đức của những kẻ áp bức và bóc lột. Còn đạo đức mới là đạo đức cách mạng, đạo đức của những con người hướng tới giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, đưa lại tự do, hạnh phúc cho mọi người. Vì vậy, hướng tới mục tiêu cao cả ấy- giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người đòi hỏi mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu, thấm nhuần, và luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân…

Vậy là, không chỉ tìm thấy ở học thuyết Mác - Lênin con đường và biện pháp để cứu nước, giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH cho nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh còn tìm thấy từ đó phương pháp làm việc khoa học, biện chứng và những điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu đó. Một trong những điều kiện ấy là mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó thì phải thấm nhuần đạo làm người, phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo lý của người cộng sản, vì đó chính là nền tảng, là sức mạnh nội lực không thể thiếu để quy tụ và lãnh đạo quần chúng.

2. Về đạo làm người trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Trong đạo đức, Hồ Chí Minh chú trọng tình người, lòng nhân ái bao la, thương yêu, tôn trọng, tin cậy con người. Khát vọng lớn nhất của Hồ Chí Minh và “cái tôi cần thiết trên đời này là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[3], để cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Trong xã hội, con người luôn là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, cần đến nhau, gắn bó với nhau, nương nhờ vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Tình yêu thương giữa con người với con người trở thành giá trị của lòng nhân ái mang tính người, vì thế, khi mang lại hạnh phúc cho người khác cũng là lúc mình cảm thấy hạnh phúc; và khi tự phê bình và phê bình để giúp nhau khắc phục cái xấu, phát triển cái tốt, cái thiện càng phải chú trọng "có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau". Trong mọi cách ứng xử, cần chú trọng tình người và tình người thấm đẫm trong lời dặn của Hồ Chí Minh: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng"[4]. Yêu thương và bao dung, trong quan điểm của Hồ Chí Minh: Những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, lầm đường lạc lối đến những người mắc khuyết điểm… cần phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Chung lưng, đấu cật và đoàn kết cùng nhau suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tình người, lòng bao dung, nhân ái, thương người như thể thương thân như một dòng chảy văn hóa vô tận, đã thấm sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chưng cất và phát triển truyền thống, đạo lý đó, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng nhân dân ta từ lâu sống với nhau có tình, có nghĩa; từ khi có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà.

Với mỗi người Việt Nam, ngoài tình người, yêu thương con người thì lòng yêu nước là một trong những giá trị đạo đức cốt lõi của người Việt. Với Hồ Chí Minh, lòng yêu nước không phải là một ý niệm mơ hồ, trừu tượng, mà bắt nguồn từ tình thương yêu nhân dân sâu sắc, niềm tự hào về truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc. Ở Người, yêu nước gắn liền với thương dân, nghĩa nước gắn chặt với tình dân, tình dân là cái gốc của nghĩa nước. Ở Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là hai mặt không thể tách rời nhau. Người thông cảm sâu sắc với đời sống lầm than, khổ cực của quần chúng nhân dân trên đất nước mình và những người nghèo khổ, những người lao động bị bóc lột ở tất cả những nơi Người đã đi qua: “Chính do sự cảm thông, yêu thương những người cùng khổ và lòng căm ghét bọn tư bản, đế quốc, thực dân mà tình cảm và ý thức giai cấp ở Người từng bước được nảy nở”[5]. Người đau nỗi đau của họ, đứng về phía họ, tìm cách giúp họ thoát khỏi bị bóc lột, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và mọi nỗi khổ đau do chủ nghĩa thực dân, đế quốc gây nên.

Tinh thần yêu nước, thương dân của Hồ Chí Minh khác về chất với tinh thần “dân vi quý” của các nhà yêu nước thuộc các giai cấp thống trị. Khác ở chỗ, khái niệm “dân” của Hồ Chí Minh bao hàm một nội dung giai cấp cụ thể, chỉ rõ thành phần chủ yếu chiếm tuyệt đại đa số trong “dân” là nhân dân lao động. Đồng thời, tình cảm của Người không ở trên nhân dân, không xa cách nhân dân và không coi thường nhân dân, mà chính là gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phục vụ nhân dân được tốt hơn, thiết thực hơn. Theo Hồ Chí Minh, yêu dân trong đạo làm người của người cách mạng là xứng đáng làm công bộc, làm đày tớ trung thành của nhân dân, tin yêu và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, trung thành và dám xả thân vì Tổ quốc, giai cấp, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác- Lênin…- là giải quyết tốt mối quan hệ "với Đoàn thể" thông qua những hành động thiết thực, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc.

Đạo làm người theo Hồ Chí Minh còn là sống cần, kiệm, liêm, chính và thiếu một trong 4 đức tính quý báu đó thì không thành người. Với Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là giải quyết tốt mối quan hệ "đối với tự mình" để mỗi người có cơ sở để giải quyết mối quan hệ "với công việc" - từ đó luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân gắn liền với nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn để hướng lòng mình đến chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng sẽ không thể làm mực thước trước nhân dân, không thể được nhân dân tin yêu và quý trọng và càng không thể thực hiện được nguyên tắc đạo đức “mình vì mọi người”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” một cách “chí công vô tư”, nếu không thực hiện được bốn chữ vàng của đạo lý làm người cao cả nhất, đó là “cần, kiệm, liêm, chính”. Đạo làm người theo Hồ Chí Minh còn là sống giản dị, thanh bạch, hòa đồng với thiên nhiên, môi trường, để khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, không trái với tự nhiên và tuân thủ quy luật khách quan…

Với Hồ Chí Minh, khiêm tốn, giản dị, thanh bạch, xa lạ với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm - luôn hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó cũng là một nguyên tắc trong đạo lý làm người và là điều kiện không thể thiếu của người cách mạng, thể hiện ở tấm gương đạo đức sáng ngời của Người và những lời Người răn về đạo đức. Khiêm nhường trong vị thế một nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trên cương vị một lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Bao giờ và ở đâu, cũng vẫn ngời sáng một Hồ Chí Minh mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, chí công vô tư, ung dung và tự tại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

3. Thấm nhuần đạo lý làm người theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Người có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình và “đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”[6]. Từng khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[7], Hồ Chí Minh coi "đức là gốc", "tài là ngọn cành" vì trong đức đã có tài, có đức sẽ đi đến có trí. Muốn có đức và có tài, mỗi người đều phải thường xuyên tu dưỡng, cố gắng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Đức là gốc” với mỗi cán bộ, đảng viên chính là tận tâm, tận lực phấn đấu hy sinh vì cách mạng, vì Đảng, vì dân, là "giàu sang không thể quến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục"…

Không chỉ là người đầu tiên nêu ra và thực hiện một cách sinh động trong thực tiễn về đạo làm người và những chuẩn mực đạo đức cách mạng mới, Hồ Chí Minh còn không ngừng tuyên truyền, vận động mọi người cùng rèn luyện. Quá trình tu dưỡng đạo đức của Người cũng chính là việc Người vừa kế thừa đạo đức truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa tư tưởng đạo đức của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của học thuyết Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã hướng đến và dành cả cuộc đời mình phấn đấu cho lý tưởng: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Với Hồ Chí Minh, khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, bị giam cầm trong nhà lao của kẻ thù, hay đã trở thành một nguyên thủ quốc gia thì sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Người chính là dù việc lớn hay việc nhỏ, Người luôn thống nhất giữa lời nói đi đôi với việc làm, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, cho mục đích tốt đẹp và lý tưởng CSCN.

Một Hồ Chí Minh luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn giản dị mà trí tuệ trong cuộc đời thường cũng như khi đang tranh đấu và sẵn sàng quên mình cho hết thảy, đã đem lại sự hài hoà, làm lấp lánh hơn cho tư tưởng, đạo đức của Người. Đạo đức cách mạng hành động của Hồ Chí Minh tỏa ra, hoà nhập với pháp luật và chính trị, kết hợp giữa đức trị và pháp trị, chính là “chính trị cách mạng trong đạo đức”, và “soi sáng chính trị từ bên trong”, luôn hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân mà “gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất thảy điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm, thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo”[8].

Dường những phẩm cách tốt đẹp trong đạo làm người, trong đạo đức, trong truyền thống của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều hội tụ nơi Hồ Chí Minh, nơi tinh hoa của dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao của tư tưởng loài người trong thời đại mới. Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ luôn gần dân, hết mực yêu thương nhân dân. Vốn xuất thân từ nhân dân, đau cùng nỗi đau nước mất nhà tan với nhân dân, Hồ Chí Minh nung nấu tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng giải phóng đồng bào khỏi những năm tháng bị đọa đầy đau khổ. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, là một tấm gương mẫu mực của tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cuộc sống riêng giản dị. Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh đạo làm người, truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới, mà biểu hiện rực rỡ nhất là tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Hồ Chí Minh yêu Tổ quốc và nhân dân mình và phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp cho tất cả những người cùng khổ. Người không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho “một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài”, mà hiến dâng cuộc đời mình cho cuộc chiến đấu vì phẩm giá và quyền của con người, cho sự giải phóng hoàn toàn. Từ những điều Người đã nói, những việc Người đã làm, nhân dân Việt Nam, bè bạn quốc tế và "tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến”[9]. Vì vậy, Người và những giá trị đạo làm người, đạo đức cách mạng mà Người trân trọng, luôn thực hành không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà còn trở thành biểu tượng rực rỡ nhất trong cuộc sống đời thường và chiến đấu vì tự do, công lý của nhân loại cần lao.

Hồ Chí Minh đã rời xa chúng ta, nhưng dù làm công việc gì và đang ở nơi đâu, thì điều mà Người “yêu nhất vẫn là cái thiện. Điều mà Người “ghét nhất vẫn là cái ác”. Điều mà Người “mong nhất vẫn là nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu" [10]. Điều mà Hồ Chí Minh muốn truyền bá, đó chính là hình ảnh một con người luôn thấm nhuần đạo làm người, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Điều mà Người khắc sâu trong tâm khảm mỗi người, thậm chí cả những người đã từng là kẻ thù của Người, đó chính là “nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”[11]. Là sự kết hợp hài hoà của những phẩm giá cao quý - “những phẩm giá mà cái xã hội và chế độ đế quốc chủ nghĩa luôn luôn muốn phá huỷ”, bởi vì sức sống mãnh liệt và “chính tấm gương của con người mới này - một con người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân - con người không thể thiếu được, hiện thân của mọi cái gì là xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là hình ảnh của con người của tương lai”[12], Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX chính là biểu tượng sinh động của sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với cuộc đời thường vô cùng bình dị, nhân ái và hoà đồng với thiên nhiên. Hồ Chí Minh không chỉ giản dị trong đời sống, Người còn giản dị trong tác phong, trong mỗi lời nói, bài viết và trong từng cách xử thế, vì vậy, mọi người đều cảm thấy Người giản dị “như mình, gần mình, của mình”.

Hồ Chí Minh, con người và nhân cách vĩ đại đã từng suy tôn là “một hiền nhân”, và sự ngưỡng mộ Người đã không dừng lại ở châu Á. Không chỉ thuộc về hiện tại, Hồ Chí Minh là một con người của tương lai, từ Người không chỉ toả ra nền văn hoá của tương lai, từ Người còn còn toả ra và sáng lấp lánh những phẩm cách của một con người trong tương lai, “đạt tới sự thống nhất hài hoà giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đến mức tuyệt vời như Bác Hồ. Được gặp Người, quả thật là một điều sung sướng, vinh dự, một diễm phúc trong đời”[13].

Ở Hồ Chí Minh, đạo lý làm người, đạo đức cách mạng thống nhất giữa nói và làm bền bỉ, không gợn chút riêng tư thật là vĩ đại. Người trở thành vĩ nhân không chỉ bởi tài lãnh đạo, đức hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến với nhân dân, sự kiên định và lòng dũng cảm, kiên trung trong cuộc đấu tranh lâu dài vì một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Người còn vĩ đại ở trí tuệ mẫn tiệp, sự lựa chọn chính xác và quyết đoán, ở chủ nghĩa nhân văn mang đậm cốt cách tâm hồn Việt. Vì vậy, “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, Triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”[14] bình dị và gần gũi đã không chỉ hấp dẫn mà còn lan tỏa trong tâm trí mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hành học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người trong thực tiễn./.


[1] Phạm Văn Đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa khí phách của dân tộc, lương tri của thời đại, Báo Nhân dân, 19/5/1970

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995,  t.2, tr.260

[3] Đinh Xuân Lâm - Lê Mậu Hãn: Góp phần tìm hiểu tư tưởng độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 1994, tr.3

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.558

[5] Nguyễn Mạnh Tường: Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 2001, tr.48

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.9, tr. 284

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.252-253

[8] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. KHXH,H, 1990, tr.130

[9] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H.1990, tr.55

[10] Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Bạn Chiến đấu, ngày 25/5/1948.

[11] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, H, 1969, t.3, tr. 90

[12] Xã luận Báo Chiến Đấu, Angiê ri, 6/9/1969

[13] John Stern, Bác Hồ như chúng ta đã biết, Nxb.Thanh Niên, H, 1985, tr.56

[14] Hồ Chí Minh, Một nhân cách hoàn hảo, Nxb. CAND, H, 2004, tr.111




Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương