Phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng phát triển” năm 2016

14/10/2016 03:28 AM



Theo con số thống kê năm 2015, ở nước ta cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Để triển khai tuần lễ này, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có công văn số 549/VDD – GDTT ký ngày 12 tháng 09 năm 2016 hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông cho Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" gửi tới các địa phương.

Cụ thể, hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung như sau: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương. Tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân béo phì... Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới. Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển VAC gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Thông điệp chính được đưa ra trong chiến dịch truyền thông năm nay là: “Bữa ăn đa dạng bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu’’.

Theo PGS, TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, thiên tai bão lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư, cùng với đó là những tổn thất nặng nề về người và của. Nhiều vùng, nhiều người bị lâm vào cảnh cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng.

Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Như vậy, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn tập trung ở những vùng khó khăn như: khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía bắc.

PGS, TS Mai, cho rằng: nghèo đói và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân khiến trẻ em nước ta bị suy dinh dưỡng. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng, bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc. Sự chênh lệch về giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư, các khu vực là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về suy dinh dưỡng.

“Bên cạnh đó, việc nhiều bà mẹ trước khi lập gia đình và sinh con chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: Chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ… dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học cũng là những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em”, PGS, TS Mai nói.

Để bảo đảm an ninh lương thực (ANLT), an ninh dinh dưỡng (ANDD) hộ gia đình, góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam, theo Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia: Cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn người dân về k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng nhằm bảo đảm ANLT, cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp l‎ý tới từng hộ gia đình. Đặc biệt quan tâm tới các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, quy trình canh tác, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật: thuốc trừ sâu, phân bón,... để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tăng cường tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực và thực phẩm phải gắn liền với ý thức bảo đảm sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng./.




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử