Để bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự hấp dẫn

14/10/2016 08:18 AM




Nhiều điểm mới “linh hoạt”


Từ những khó khăn, bất cập nêu trên Luật BHXH năm 2014 đã có một số giải pháp linh hoạt hơn để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong quá trình thực hiện chính sách cần đơn giản về thủ tục khi tham gia, dễ dàng thay đổi khi người lao động có nhu cầu. Theo đó, từ ngày 01/01/2016 là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định giới hạn về trần tuổi khi tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, Luật BHXH năm 2014 quy định linh hoạt hơn về mức đóng, phương thức đóng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, cận nghèo và người bình thường khi người dân tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu được đặt ra là tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH nhằm đảm bảo sử dụng an toàn và đảm bảo cân đối quỹ BHXH.

Việc bỏ giới hạn trần tuổi tham gia, hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, hỗ trợ tiền đóng và quy định mức đóng, phương thức đóng BHXH linh hoạt sẽ làm cho chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của người dân và có tính hấp dẫn hơn, từ đó diện bao phủ BHXH cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, với việc hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH, mức lương hưu sau này sẽ thấp do người dân có tâm lý chỉ đóng theo mức thu nhập tối thiểu và với thời gian tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Hình minh họa

Một số rào cản

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hấp dẫn người dân tham gia đó là BHXH tự nguyện chỉ thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Quy định này vô tình đã trở thành rào cản khiến người lao động ở khu vực phi chính thức ít tham gia vào loại hình BHXH tự nguyện, nhất là đối với lao động nữ. Mặt khác, để hưởng hai chế độ dài hạn trên, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tới 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, cao hơn 14% so với người tham gia BHXH bắt buộc (chỉ là 8%). Ngoài ra, việc tuyên truyền chế độ chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng còn chung chung, chưa hướng đến đối tượng đích, hơn nữa sự phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục….vì vậy người dân chưa biết nhiều về chính sách này.

Giải pháp mở rộng diện tham gia

Để chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng thật sự đi vào cuộc sống, thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông ở tỉnh, các ban ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng; in tờ rơi, áp phích tuyên truyền BHXH tự nguyện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề về BHXH tự nguyện thông qua các tổ chức chính trị xã hội như: Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, hội viên Hội Nông dân, xã viên Liên minh Hợp tác xã, Đoàn thanh niên v..v….trong các buổi sinh hoạt tập thể tại các xã, phường, thị trấn.

Tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách này sẽ góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội và giảm gánh nặng ngân sách địa phương trong thời gian tới.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ; đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH tự nguyện, nhất là thực hiện tốt cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.

Tiếp tục củng cố tổ chức đại lý thu trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đặc biệt đào tạo đội ngũ đại lý có kỹ năng, nắm vững về chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, mở rộng mạng lưới đại lý từ tỉnh đến huyện để người dân dễ dàng tiếp cận và được tư vấn về chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế một cách tốt nhất.

Từ những giải pháp vừa nêu trên, tin tưởng việc triển khai BHXH tự nguyện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ được cải thiện./.




Nguyễn Thị Xuân - PGĐ BHXH tỉnh Đắk Lắk