Ái quốc trọng dân, dĩ công vi thượng

14/10/2016 08:33 AM



Sau một thời gian điều hành trách nhiệm do dân giao phó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy một số UBND chưa thực sự được lòng dân, Người viết bài “Sao cho được lòng dân”, chỉ rõ: Muốn cho dân yêu, dân tin, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, phải chú ý giải quyết các vấn đề của dân dẫu khó khăn đến đâu, những vấn đề liên quan tới đời sống của dân phải giải quyết kịp thời, thỏa đáng... Tóm lại, muốn được “dân yêu”, phải “yêu dân”, đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, với tinh thần “chí công vô tư”. Những lời khuyên răn của Người đã có tác động rất lớn, củng cố mối liên hệ giữa cán bộ, bộ máy chính quyền còn non trẻ với 25 triệu nhân dân cả nước trong những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Các cơ quan dân vận, nông vận, phụ vận, thanh vận, công giáo vận... được thành lập từ Trung ương đến cơ sở đã giúp Đoàn thể (tức là Đảng đã rút vào hoạt động bí mật) và Chính phủ lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi lớn trong phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm” trong bối cảnh chưa quốc gia nào trên thế giới công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với nước ta, đất nước bị chia cắt, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn...

Sang năm thứ 04 lãnh đạo đất nước, thực tiễn phát sinh một số vấn đề mới trong công tác vận động quần chúng gây bất lợi cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, vấn đề “dân vận” nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng có địa phương, có cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần nhắc lại. Trên báo Sự thật – cơ quan của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, ngày 15/10/1949, đã đăng bài “Dân vận” của Người (với bút danh XYZ), nêu lên 04 vấn đề để các địa phương, cán bộ, Đảng viên quán triệt thực hiện. Vẫn từ quan điểm “ái quốc trọng dân, dĩ công vi thượng”, một lần nữa Người xác định: Nước ta là nước dân chủ, cho nên bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Người định nghĩa dân vận là gì, ai phụ trách dân vận, muốn dân vận tốt phải thế nào... Và yêu cầu cán bộ, chính quyền, đoàn thể đều phải làm công tác dân vận, cán bộ canh nông cũng phải “hợp tác” mật thiết với cán bộ địa phương hướng dẫn cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi… Để làm tốt công tác dân vận, “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chứ không được “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, họ phải thật thà nhúng tay vào cuộc”.

Lúc sinh thời, tại các hội nghị, các lớp chỉnh huấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều căn dặn cán bộ, đảng viên có 05 điều nên làm, đó là: “Giúp dân làm những công việc hàng ngày; tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều (dân) kiêng; học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình với dân; tùy lúc, tùy nơi mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; làm cho dân thấy mình là người đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân chúng tin ta, giúp ta giải quyết công việc”. Còn 05 việc nên tránh, gồm: “Tránh việc gì thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà của dân, ruộng vườn của dân; tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho kỳ được của dân; tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; tránh sai lời hứa và tránh lộ bí mật”. Tư tưởng này, có thể thấy rõ nét qua những hình ảnh Người đến với dân được ghi lại, luôn thân thiết, giản dị, không “trống dong, cờ mở”. Người gặp nông dân tại ruộng, sân đình, sân kho hợp tác xã... Người cũng tát nước gầu dai, đạp guồng nước khi đi động viên bà con chống hạn. Người thăm công nhân tại công xưởng, công trường, đến thẳng bếp ăn khi đến với bộ đội, động viên chiến sỹ tại trận địa pháo phòng không… Học tập, làm theo lời Người dạy, trong ba năm cải cách ruộng đất, hàng vạn cán bộ đã “ba cùng” với bần cố nông, đấu tranh thắng lợi phá bỏ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân cày. Cán bộ, bộ đội hoạt động ở vùng địch hậu trong ba mươi năm đánh Pháp, chống Mỹ đều dựa vào dân ở nông thôn, miền núi, đô thị... lập nên nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng 02 đế quốc trong thế kỷ 20, thế giới khâm phục, nêu cao vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Trong giai đoạn cách mạng mới hôm nay, với nhiều vấn đề mới phát sinh, Đảng ta vẫn xác định tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Phê phán, nghiêm trị hành vi, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức…./.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội