Dịch vụ y tế tăng - Người bệnh bị nghèo hóa nếu không có thẻ Bảo hiểm y tế

17/10/2016 03:30 AM




Dân số ở Việt Nam đang tăng với tốc độ trung bình mỗi năm khoảng 1 triệu người, trong khi đó diễn biến của bệnh tật ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của môi trường sống. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam một ngày có trên 400 ca ung thư phát hiện mới và trên 500 ca ung thư qua đời… đây là một thực trạng đáng báo động.

Hình minh họa. Nguồn Internet

Theo dự thảo, từ 01/01/2017, viện phí của người không có thẻ BHYT sẽ tăng khoảng 30% và đến 01/7/2017 sẽ tăng 50% so với hiện nay. Có không ít dịch vụ tăng gấp 2, 3 lần. Mức giá này giống như giá của nhóm có BHYT, tuy nhiên, người bệnh không có BHYT sẽ phải thanh toán 100%. Đây là chi phí khổng lồ, nếu như các ca bệnh đắt tiền, chi phí lên đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ y tế ngày càng cao do mức sống và nhu cầu của người KCB ngày càng tăng, cũng như do áp dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng KCB, nếu không có các chính sách vĩ mô đi kèm kịp thời và tương ứng sẽ làm nghèo hóa người dân.

Những đối tượng là người nghèo đã có Nhà nước cấp thẻ BHYT, đối với đối tượng cận nghèo nhà nước đã hỗ trợ 70% trên tổng mức đóng. Tuy nhiên thực tế thu nhập của hộ nghèo và cận nghèo không chênh lệch nhiều, việc tham gia BHYT là một việc vô cùng khó khăn nếu địa phương không tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để người cận nghèo có thể tiếp cận các dịch vụ BHYT. Vì vậy họ không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ thường xuyên, nên khi phát sinh bệnh tật thường bị bệnh nặng, dẫn đến chi phí KCB và điều trị cao ngoài khả năng chi trả, buộc phải vay nợ. Sau khi khỏi bệnh họ lại phải “kéo cày trả nợ”, nên từ hộ cận nghèo người dân trở thành hộ nghèo, dẫn đến tình trạng người dân luôn trong tình trạng nghèo khó. Chính vì vậy, BHYT không chỉ là một giải pháp quan trọng để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân, mà còn giúp người dân có cơ hội thoát nghèo nếu không may ốm dau, bệnh tật…

Đặc biệt, để giải quyết lâu dài về vấn đề thoát nghèo bền vững, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, tìm nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới đó là: Nhà nước sẽ tăng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, giảm mức đóng khi mọi thành viên trong gia đình tham gia. Địa phương cần quan tâm cân đối nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ BHYT nếu không may ốm đau, bệnh tật… nhất là mắc các bệnh hiểm nghèo điều trị lâu dài, chi phí lớn, trong khi đó các dịch vụ y tế đến 01/01/2017 áp dụng chung cho tất cả người bệnh, nếu người bệnh không có thẻ BHYT phải tự chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, như vậy họ nghèo lại hoàn nghèo.

Đối với ngành y tế ngày càng phải nâng cao chất lượng KCB hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ hết lòng vì người bệnh…để người dân yên tâm và tin tưởng vào chính sách BHYT, tạo tính hấp dẫn để người dân tích cực tham gia BHYT, góp phần thúc đẩy quá trình BHYT toàn dân vào năm 2020./.





Nguyễn Thị Xuân - PGĐ BHXH tỉnh Đắk Lắk.