Ngành BHXH: Hướng tới lợi ích của DN, người dân

24/10/2016 07:45 AM




“Ghi điểm” với DN và người dân

Đánh giá về công tác cải cách TTHC của ngành BHXH thời gian qua, ông Bùi Văn Tám - Trung tâm Kinh doanh VNPT TP.HCM nhận định: Công tác cải cách TTHC của cơ quan BHXH đã giúp DN giảm rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi cũng như chi phí. Nếu 10 năm trước, khi chia tách ngành Bưu chính- Viễn thông, các cán bộ BHXH TP.HCM phải làm việc cật lực, ròng rã nhiều tháng mới chốt được sổ BHXH cho hơn 10.000 lao động, thì nay, với việc thực hiện giao dịch điện tử và ứng dụng CNTT, thời gian và công sức cho việc này giảm đi rất nhiều mà không phải lo nghĩ nhiều.

Là DN may với trên 90% lao động nữ, tháng nào Công ty TNHH May Linh Lợi (Hải Dương) cũng phát sinh tăng, giảm lao động hoặc có người cần thanh toán chế độ ốm đau, thai sản. Công ty đã sử dụng phần mềm giao dịch điện tử từ năm 2014, giảm được khá nhiều thời gian đi lại trong báo hồ sơ tăng, giảm lao động. Đặc biệt, phần mềm này còn giúp Công ty tra cứu dữ liệu nhanh chóng, trùng khớp với dữ liệu theo dõi của cơ quan BHXH…

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới người dân, DN. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC, bảo đảm không làm phát sinh các thủ tục không cần thiết; công khai, minh bạch TTHC trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp. Đặc biệt, đến nay, cơ quan BHXH đã rà soát, cắt giảm từ 263 TTHC xuống còn 33 TTHC, trong đó, giảm được 76% thành phần hồ sơ, 89% chỉ tiêu kê khai, 89% trình tự thao tác các thủ tục...

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH khi cho rằng: “BHXH đang “ghi điểm” thông qua việc cải cách mạnh mẽ TTHC. Sự nỗ lực của ngành BHXH đã hỗ trợ tích cực cho các DN; giúp kết nối chặt chẽ cơ quan BHXH với các đơn vị, DN, trường học, BV; mang lại lợi ích to lớn cho chính DN và cơ quan BHXH”.

Cũng theo bà Cúc, nếu trước đây, DN phải mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi, thậm chí phải đợi từ sáng đến chiều mới thực hiện được giao dịch, nhưng đến nay không còn tình trạng này. Đặc biệt, văn hoá ứng xử, phong cách phục vụ của cán bộ ngành BHXH đã chuyển biến rất tích cực...

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, 100% DN được khảo sát đánh giá cao nỗ lực cải cách TTHC và ứng dụng CNTT của ngành BHXH, giúp tạo thuận lợi cho các DN có thời gian lo cho mục tiêu sản xuất kinh doanh…

Tăng cường cải cách

Cũng theo tính toán của WB, trước đây, thời gian làm thủ tục BHXH của DN là 335 giờ/năm, nhưng từ cuối năm 2014 đến nay đã giảm chỉ còn 52 giờ/năm. Như vậy, với gần 300.000 DN tham gia BHXH, nếu tính bình quân mỗi đơn vị bố trí một nhân lực làm chính sách BHXH (tiền công 1 giờ làm việc 35.000 đồng), thì việc giảm thời gian giao dịch đã giúp các DN mỗi năm tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, gần 20.000 cán bộ BHXH cũng tiết kiệm được nhiều thời gian để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ khác...

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, cải cách TTHC luôn được Ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho DN tham gia BHXH, BHYT. Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng chính là nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ. Do đó, BHXH Việt Nam quyết liệt chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện nghiêm túc; phấn đấu đến cuối năm 2016 giảm số giờ giao dịch xuống còn 49 giờ, ngang bằng các nước ASEAN 4 và đến năm 2020 giảm số giờ giao dịch xuống còn 45 giờ, ngang bằng các nước ASEAN 3.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm tin học hoá toàn diện các hoạt động quản lý của Ngành; đồng thời liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; giúp NLĐ tự kê khai và tự chịu trách nhiệm đối với thông tin của mình, tự kiểm soát quá trình đóng nộp BHXH, BHYT. Cùng với đó, từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin giám định BHYT để phục vụ giám định theo hình thức trực tuyến. Đến tháng 8/2016, đã có 14.000 cơ sở KCB (chiếm 99,5%) kết nối thành công vào cổng thông tin; chỉ còn 62 trạm y tế tại 11 tỉnh chưa kết nối được do không có điện lưới và mạng internet...

Cũng theo BHXH Việt Nam, khi nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực hưởng BHXH được ban hành, chắc chắn sẽ giúp ngành BHXH giảm nhiều thủ tục, thời gian và kinh phí cho các DN và người dân./.





Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội