KCB BHYT tại tuyến xã: Cách nào gỡ khó?

13/12/2016 09:03 AM




Ông Nguyễn Khang - Trưởng phòng Nghiên cứu dự báo (Viện Khoa học BHXH) cho biết: Theo khảo sát tại 3 tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Bình Dương, những người đi KCB BHYT tại các TYT xã chủ yếu là người nghèo, người già và trẻ em dưới 6 tuổi; phụ nữ sinh con hoặc mang thai; các đối tượng chính sách... Điều đó cho thấy, những đối tượng được cấp phát thẻ BHYT miễn phí hoặc được hỗ trợ tham gia với mức đóng thấp (hầu như đã có thẻ BHYT) mới thường xuyên đến thăm khám tại tuyến xã.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo phát biểu chỉ đạo Hội thảo

“100% Trạm trưởng TYT được hỏi đều cho biết, TYT có thể thực hiện trên 50% số dịch vụ đã được Bộ Y tế phê duyệt (trong tổng số 1.142 danh mục) hoặc theo quy định của địa phương áp dụng cho tuyến xã (350/750 danh mục). Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có thể đáp ứng từ 14,6- 24,8% danh mục”- ông Khang dẫn chứng. Vì vậy, theo ông Khang, thống kê mô hình bệnh tật tại TYT chủ yếu là các bệnh viêm họng, rối loạn tiêu hóa, đau xương khớp, viêm dạ dày và tăng huyết áp. Nếu muốn xét nghiệm, siêu âm, làm các thủ thuật hoặc phẫu thuật, thì người dân buộc phải lên các tuyến trên.

Lý giải về tình trạng này, ông Khang cho rằng, hiện cơ sở vật chất tại tuyến xã rất thiếu thốn. Đơn cử: 100% TYT không có máy xét nghiệm; 71% không có máy siêu âm; thiếu phòng khám bệnh, hệ thống điện nước không đầy đủ, thiếu kinh phí bảo dưỡng và đầu tư mới. Đa phần các TYT “than khó” khi thuốc cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu KCB, cung ứng chậm, quá trình thanh toán với cơ quan BHXH chậm, tiền công KCB thấp…

Ông Phạm Gia Vân - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An cũng cho rằng: Các TYT thuộc quyền quản lý của Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố, chứ không thuộc BV tuyến huyện. Đây là khó khăn cho cả cơ quan BHXH và BV khi thực hiện hợp đồng KCB BHYT, bởi theo quy định, Phòng Y tế không được ký hợp đồng với cơ quan BHXH. Trong khi đó, các BV tiếp nhận kinh phí và có trách nhiệm cung ứng thuốc và vật tư, nhưng vai trò điều hành đối với các TYT lại mờ nhạt. “Việc cung ứng thuốc không kịp thời, dẫn đến thừa thuốc này, thiếu thuốc khác, nhất là vào lúc cao điểm dịch bệnh hoặc mô hình bệnh tật thay đổi. Cùng công dụng như nhau, nhưng thuốc trong danh mục BHYT thì hết, thuốc ngoài danh mục lại còn nhiều, khiến người bệnh BHYT vẫn phải mất tiền mua thuốc”- ông Vân chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH Thừa Thiên- Huế: Quy định kinh phí KCB tại TYT phải bằng 10%- 20% quỹ KCB ngoại trú là chưa hợp lý, nhất là khi TYT vẫn phải phát triển dịch vụ kỹ thuật và nâng cao chất lượng KCB. Có TYT được đầu tư xây dựng, máy móc hiện đại, nhưng trình độ y bác sĩ chưa đáp ứng được hoặc bác sĩ được đào tạo chuyên khoa, nhưng cơ sở không có trang thiết bị để sử dụng…

Liên quan vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng, TYT xã là cơ sở KCB gần nhất với người dân và là nơi đầu tiên người bệnh tiếp cận với cơ sở y tế. Thời gian qua, việc thực hiện KCB BHYT tại tuyến xã đã có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Vì vậy, “việc nâng cao chất lượng KCB tại tuyến xã cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT. Trước mắt, nên quy định Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm lồng ghép quản lý KCB BHYT tại các TYT; rà soát lại các TYT; tăng cường ứng dụng CNTT; cải cách thủ tục và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT nhanh gọn, chính xác”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội