Thiếu i-ốt: Nhiều nguy cơ “tái xuất”!

16/12/2016 09:41 AM




I-ốt là vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tuyến giáp, sự tăng trưởng và phát triển. Thiếu i-ốt có thể dẫn tới thai lưu, sẩy thai và bướu cổ; gây ra nhận thức kém, học tập khó khăn ở trẻ em.

Năm 1993 đã từng ghi nhận có tới 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8- 12 tuổi là 22,4%. Từ năm 1994, Chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt được thiết lập và triển khai. Đến năm 2005, nước ta trở thành một trong những nước đi đầu trong việc loại trừ tình trạng rối loạn do thiếu hụt i-ốt, với hơn 90% hộ gia đình được sử dụng muối i-ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005- 2006; tỉ lệ mắc mới bướu cổ ở trẻ em trong độ tuổi đi học thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới 5%.

Tuy nhiên, những kết quả này đã không được duy trì, kể từ khi Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt ra khỏi Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế vào năm 2005. Tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại ở nước ta, trong đó đáng lo ngại là kết quả điều tra trẻ em 8- 10 tuổi toàn quốc năm 2014 cho thấy, tỉ lệ bướu cổ đối với trẻ em độ tuổi này đã lên tới 9,8%...

Ông Jesper Moller- Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cảnh báo: “Hiện nay, lượng tiêu thụ muối i-ốt tại Việt Nam đã giảm một nửa, chỉ còn 45% trong năm 2011. Mức i-ốt niệu trung vị của phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là 7,5 mcg/dl. Xin hãy nhớ rằng, mức dưới 10 mcg là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đến sự phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh. Số liệu gần đây cho thấy, chúng ta đang ở trong tình trạng đáng lo ngại, vì các rối loạn do thiếu i-ốt có thể sẽ quay lại Việt Nam”.

Đại diện UNICEF cũng nhấn mạnh: “Trừ khi các hành động dự phòng được thực hiện kịp thời, nếu không các rối loạn do thiếu i-ốt có thể xảy ra, đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ cao như: Hà Nội, TP.HCM, ĐBSCL... là nơi việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động”.

Lý giải thêm về nghịch lý đồng bằng thiếu i-ốt hơn miền núi, TS.Phan Hướng Dương- PGĐ BV Nội tiết Trung ương cho rằng: Do miền núi vẫn được trợ cấp muối bổ sung i-ốt và muối là loại gia vị mà họ sử dụng phổ biến; còn ở đồng bằng sử dụng nhiều hạt nêm và các loại gia vị mặn khác, nhưng không được bổ sung i-ốt.

Bày tỏ lo ngại trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan đã rà soát, đánh giá các chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này để đề xuất giải pháp bền vững. “Việc cấp thiết là phải tái thiết lập Chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt; nghiên cứu ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai quy định về tăng cường i-ốt tới các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các bên liên quan. Đồng thời, cần phải quy hoạch, phát triển có trọng tâm, trọng điểm những nhà sản xuất, cung cấp muối. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá tác động của muối i-ốt tới sức khoẻ con người...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng đề nghị UNICEF tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, để đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển thể chất và tinh thần đầy đủ nhất./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội