Sửa đổi một số thông tư về KCB và BHYT: “Mở cửa” cho y tế cơ sở

13/01/2017 03:37 AM



Các Thông tư đang được Bộ Y tế xây dựng, xin ý kiến bao gồm: Thông tư bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư số 43/2013/TT-BYT (quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở KCB); Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân ban hành kèm theo Thông tư 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình; Thông tư quy định chi tiết về gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả; Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những định hướng lớn của Bộ Y tế là phải phát triển tuyến y tế cơ sở, trong khi đó cơ chế hiện nay lại hạn chế nhiều về danh mục kỹ thuật, thuốc cho các trạm y tế xã. Tỉ lệ chi cho y tế cơ sở y tế còn thấp. Hiện tỉ lệ chi KCB BHYT tại xã mới đạt khoảng 3%-4% tổng chi KCB BHYT, nếu tính cả tuyến huyện mới đạt tỉ trọng 32%. Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng DVKT KCB BHYT của tuyến huyện và xã là 72%.

Do đó, các Thông tư sửa đổi sẽ hướng đến mở rộng danh mục DVKT và thuốc cho tuyến cơ sở, thu hút người dân đến KCB tại tuyến này. Các BV Trung ương sẽ tập trung vào DVKT cao, nghiên cứu thay vì dành quá nhiều thời gian cho việc điều trị các bệnh thông thường. Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân ban hành kèm theo Thông tư 16 là cơ sở để trạm y tế xã mở rộng phạm vi hoạt động của mình, thực hiện chức năng của bác sĩ gia đình, tự đổi mới để thu hút người dân KCB BHYT. “Tới đây, khi thực hiện tự chủ tài chính cho tất cả các cơ sở y tế, thực hiện thanh toán KCB BHYT theo định suất, cơ sở nào thu hút càng nhiều người có thẻ BHYT đăng ký KCB thì nguồn quỹ càng tăng”- Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Lần sửa đổi này, Bộ Y tế cũng dự kiến sẽ gộp Thông tư số 43 vào Thông tư số 50/2014/TT-BYT (quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật). Đặc biệt, trong đó sẽ không có phân tuyến, mà chỉ còn danh mục kỹ thuật. Hằng năm, mỗi 6 tháng hoặc 1 năm sẽ bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư này; đồng thời xây dựng giá cho từng kỹ thuật.

Nhấn mạnh quan điểm trên, ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho rằng: Không có “hàng rào” nào quy định giới hạn việc thực hiện DVKT tại tất cả các tuyến y tế cơ sở, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương. Bất kỳ DVKT nào mà cơ sở KCB đăng ký thực hiện được Bộ Y tế và Sở Y tế thẩm định cả về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và làm chủ kỹ thuật đạt yêu cầu sẽ được cho phép thực hiện.

Dự thảo Thông tư bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư số 43 sẽ bổ sung 914 kỹ thuật từ Thông tư 50; bổ sung 113 kỹ thuật từ Thông tư liên tịch 37 (sau khi đã chuẩn lại tên kỹ thuật). Thông tư cũng chuẩn hóa cả về tên dịch vụ và giá dịch vụ, nhằm giúp các cơ sở KCB làm thủ tục đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT với cơ quan BHXH qua hệ thống giám định điện tử...

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC được Bộ Y tế đề xuất là bỏ quy định về giao quỹ cho cơ sở KCB ban đầu. Thay vào đó, sẽ xác định tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB theo tổng số các trường hợp đến KCB trong năm theo chuyên khoa, hạng BV. Đồng thời, sử dụng hệ số điều chỉnh dựa trên sự thay đổi về chỉ số giá thuốc, VTYT, DVKT. Bộ Y tế cũng đề xuất không quy định mức quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế, mà áp dụng cơ chế chung như các cơ sở y tế khác (tính trên tổng mức thanh toán); đề xuất bổ sung chi trả chi phí lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân…

Dự thảo Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và cơ sở KCB y học gia đình cũng xem trạm y tế xã là một trong các cơ sở KCB hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Được chuyển người bệnh đến các cơ sở KCB khác, kể cả cơ sở y tế ở tuyến cao hơn khi có yêu cầu về chuyên môn, mà không bị coi là "vượt tuyến", "trái tuyến". Cơ sở KCB y học gia đình cũng được sử dụng và được quỹ BHYT thanh toán cho các thuốc theo danh mục thuốc quy định đối với tuyến cao hơn, nhưng phải phù hợp với DVKT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Góp ý tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ thống nhất với quy định không “cấm” các cơ sở y tế tuyến cơ sở phát triển các DVKT của tuyến cao hơn; xây dựng điều kiện hành nghề bác sỹ gia đình; giám định viên BHYT phù hợp hơn với thực tế…

Ông Dương Tuấn Đức- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng: Các thông tư cần phải thống nhất dịch vụ cả về tên và giá dịch vụ, bởi tình trạng nhiều cách đặt tên, chia tách nhiều dịch vụ cho cùng một kỹ thuật đang gây rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT, đặc biệt là thực hiện giám định BHYT điện tử. Ông Đức cũng lưu ý, một trong những nội dung mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 41 và Nghị định 105 là yêu cầu cấp chứng chỉ cho giám định viên, cần phải làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ? Điều kiện giám định viên phải là bác sĩ có khả thi?... “Nghị định có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành, thì nếu với điều kiện này, sẽ có tới 60% cơ quan BHXH trên toàn quốc không có giám định viên đủ điều kiện làm việc”- ông Tuấn cho biết.

Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Chiến lược trước mắt và lâu dài của ngành Y tế là đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe và tài chính. Hiện chúng ta đang có quá nhiều danh mục với số lượng DVKT lên tới 17.000, trong khi các nước chỉ có 2- 3.000 dịch vụ. Việc “bẻ vụn” từng dịch vụ, quá nhiều tên cho một loại DVKT... đang gây khó khăn cho chính cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Do đó, theo Bộ trưởng Tiến, các đơn vị soạn thảo Thông tư phải rà soát, thống nhất lại tên DVYT để có thể ban hành chỉ hai danh mục với khoảng 3.000 dịch vụ.

“Vấn đề cơ bản nhất hiện nay là phải thay đổi cả phương thức chi trả, thanh toán theo định suất, DRG hoặc theo ca bệnh, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, yêu cầu các cơ sở KCB phải tự đổi mới, thu hút bệnh nhân BHYT...”- Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội