Báo động thực phẩm mang vi khuẩn kháng kháng sinh

16/01/2017 02:52 AM



Bà Bùi Thị Mai Hương- Khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử (Viện Dinh dưỡng) nhận định, thực trạng phổ biến vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm ở Việt Nam đã ở mức báo động. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong cộng đồng và chăn nuôi tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả tương đồng với các nước Đông Nam Á và đều cần có các giải pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời.

Trước đó, để đánh giá mức độ ô nhiễm E.Coli (có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng), các nghiên cứu viên đã tiến hành thu thập 330 mẫu thực phẩm phân phối ở các hệ thống chợ, siêu thị và lò giết mổ tại TP.HCM. Kết quả, E.Coli sinh men ESBL (hủy tác dụng của kháng sinh) được phát hiện trong 150/330 mẫu thực phẩm (tương đương 45,5%). Trong đó: Tỉ lệ nhiễm cao nhất ở thịt gà là 92,7%; sau đó là thịt lợn 34,8%; thịt bò 34,3% và cá/tôm 29,3%.

Đáng lưu ý, tỉ lệ ô nhiễm vi khuẩn E.Coli sinh ESBL từ các mẫu thịt gà thu thập từ các lò giết mổ lên đến 100%. Nguyên nhân có thể ô nhiễm vi khuẩn trong quá trình giết mổ, sử dụng nước để làm sạch lông. Ngược lại, so với các mẫu lấy từ lò giết mổ, E.Coli sinh ESBL lại được phát hiện thường xuyên hơn trong các mẫu thịt lợn và thịt bò thu thập từ siêu thị. Thực tế này cho thấy, phương thức quản lý thực phẩm trong quá trình vận chuyển và bảo quản đang có vấn đề, ảnh hưởng đến sự lan truyền và lây nhiễm chéo vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm.

Nghiên cứu khoảng 400 mẫu thịt và hải sản chưa qua chế biến được lấy từ các lò giết mổ, chợ đầu mối và chợ bán lẻ ở TP.HCM cũng cho thấy, tỉ lệ rất cao nhiễm và kháng kháng sinh các chủng Samonella (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em). Cụ thể: Tỉ lệ nhiễm Samonella đã được phát hiện trong thịt lợn là 69,7%; gia cầm 65,3%; thịt bò 58,3%; tôm 49% và cá nước ngọt nuôi 36,6%…

Cũng theo bà Bùi Thị Mai Hương, để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, Dự án SATREPS đã triển khai mô hình nghiên cứu can thiệp y tế công cộng ở huyện Ba Vì, Hà Nội thông qua điều tra KAP (kiến thức/thái độ/thực hành). Hoạt động can thiệp này được thực hiện trong vòng 7 tháng với 179 cá nhân từ 52 hộ gia đình, bao gồm: Tổ chức buổi tuyên truyền kiến thức về vệ sinh và sử dụng kháng sinh đúng cách, phát tài liệu và hướng dẫn thực hành phòng ngừa sự lây truyền vi khuẩn kháng thuốc… Kết quả cho thấy, đã giảm tỉ lệ vi khuẩn sinh ESBL trong những người tham gia từ 59,9% (lúc ban đầu) xuống còn 24,7% (sau can thiệp).

Đáng lưu ý, kết quả điều tra cũng phát hiện hầu hết các chủng Ecoli sinh ESBL phân lập từ gà đã kháng với kháng sinh Ciprofloxaxin (80,5%) và Fosfomycin (50,8%). Trong khi đó, hiện nay, Fosfomycin lại là kháng sinh không được cấp phép sử dụng trong nông nghiệp. Điều đó càng cho cho thấy, cần phải nâng cao nhận thức cho người dân và chủ động kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh (mở rộng giám sát, đào tạo và cập nhật kiến thức, thiết lập cơ sở dữ liệu về vi khuẩn kháng kháng sinh); tiếp tục nghiên cứu xác định rõ cơ chế lan truyền và các đặc điểm dịch tễ theo vùng địa lý của vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam…

Đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Kế hoạch hành động về kháng kháng sinh đã được phê duyệt và triển khai. Song thực chất, hiệu quả triển khai chưa được bao nhiêu. Do vậy, đã đến lúc cần phải quyết liệt hơn trong việc kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh.

“Cán bộ y tế cần nâng cao nhận thức trong vấn đề sử dụng kháng sinh hiệu quả. Thực tế có chuyện, với bất cứ người bệnh nào, thì phản xạ đầu tiên của nhiều cán bộ y tế là sử dụng kháng sinh. Cho nên, việc kiểm soát kê toa đúng là vấn đề rất quan trọng và cần cơ chế kiểm soát việc sử dụng để tránh lạm dụng”- Thứ trưởng Long nhấn mạnh./.



Nguồn: Báo bảo hiểm xã hội