Cục Y tế Dự phòng: Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trước, trong và sau Tết Nguyên đán

07/02/2017 02:27 AM



Cụ thể, tính đến nay, 55 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ghi nhận hơn 1.600 ca tay –chân – miệng; riêng TP.Hồ Chí Minh phát hiện hơn 30 ca mắc bệnh này, 01 trường hợp trong số đó tử vong. Tay-chân-miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 03 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, không rửa tay với xà phòng thường xuyên. 80% số biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh tay - chân - miệng là do chủng EV71. Bên cạnh đó, cuối năm 2016, bước đầu phát hiện một số ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) và A (H5N6) tại một số gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời nên không bị lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, mầm bệnh cúm gia cầm có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm, có thể lây sang người nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt, triệt để.

Để tránh mắc và lây lan cúm gia cầm sang người trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục Y tế Dự phòng đã đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, trong hơn 10 năm qua, diễn biến thất thường của khí hậu tương đồng với sự tăng dần của một số bệnh truyền nhiễm qua các năm; đặc biệt, một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều quốc gia nhưng vẫn đang phát triển mạnh tại Việt Nam như lao, sốt rét… và sốt xuất huyết (năm 2016 vừa qua, Việt Nam ghi nhận hơn 110.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1,9% so với năm trước, trong đó có 36 trường hợp tử vong). Đồng thời, thời tiết khô hạn kéo dài (tháng 02 – 04), sẽ dẫn đến nguy cơ tăng cao sốt xuất huyết, tiêu chảy, thủy đậu, suy nhược cơ thể, da nổi mụn nước…; vào mùa mưa (tháng 05 - 07), tiêu chảy, sốt, cảm cúm, đau bụng, dị ứng thời tiết, bệnh ngoài da… hoành hành; vào mùa rét (tháng 11 trở đi), các bệnh viêm phế quản, cảm cúm… sẽ phát triển. Đó là chưa kể đến, theo dự báo, tình hình dịch bệnh năm 2017 tiếp tục có những diễn biến phức tạp; nguyên nhân do sự giao lưu, đi lại của người dân giữa các quốc gia, quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu và sinh hoạt, tập quán của người dân./.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội