100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế

07/02/2017 08:04 AM



Ảnh minh họa, nguồn Internet

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong đó, tập trung vào các mục tiêu cụ thể:

Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các chỉ tiêu đến năm 2025: 100% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng chính quyền, ban ngành đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi. Đến năm 2025: 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...) với 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; khuyến khích thành lập mới bệnh viện lão khoa tại các thành phố trực thuộc Trung ương; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung với 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng; Tăng ít nhất 2 lần số người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016.

Đề án được triển khai trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung triển khai ở các tỉnh thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người cao tuổi có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn.

Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2017-2020): Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng: tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kì, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi của các cơ sở y tế; xây dựng các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hướng dẫn sử dụng Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thử nghiệm các mô hình, loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn; thí điểm xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi; nghiên cứu phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện một số nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Giai đoạn 2 (2021-2025): Tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Các giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu của đề án tập trung vào:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; định kỳ tổ chức các hoạt động truyền thông sự kiện, hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn; biên soạn, biên tập, nhân bản, phát hành các sản phẩm truyền thông, tư vấn; thường xuyên tổ chức truyền thông trực tiếp, hướng dẫn chăm sóc và người cao tuổi tự chăm sóc; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác. Xây dựng và triển khai mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua sử dụng mạng điện tử (internet), viễn thông.

Thứ hai, xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thứ ba, củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi: Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; Nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Thứ tư, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi: Xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình; Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác; Các mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thứ sáu, hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thứ bẩy, tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực song phương và đa phương, của các tổ chức phi chính phủ, vay ưu đãi (ODA, NGO, IDA) để thực hiện Đề án.

Thứ tám, củng cố, phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tổng kinh phí giai đoạn 2017-2025: 4.019.703 triệu đồng./.

 

Nguồn: Trang tin điện tử BHXH Việt Nam