Kiểm soát chặt các bệnh dịch truyền nhiễm ở Việt Nam

16/02/2017 02:33 AM



Trong năm 2017-2018, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản cho 177.879 trẻ từ 6-15 tuổi. Ảnh minh họa

Gần 180.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Bắc năm 2017 diễn ra ngày 15/2 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, để phòng ngừa dịch bệnh viêm não Nhật Bản (thường bắt đầu vào mùa dịch từ cuối tháng 4 hằng năm), trong năm 2017-2018, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản cho 177.879 trẻ từ 6-15 tuổi ở 28 huyện của 16 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao.

Song song với đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản cho 3,4 triệu trẻ từ 1-2 tuổi trong cả nước, đạt trên 90%. Vaccine ngừa viêm não Nhật Bản được sử dụng là do Việt Nam sản xuất, nên chúng ta hoàn toàn chủ động về số lượng và bảo đảm chất lượng an toàn.

Viêm não virus là một bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây ra, thường gây tổn thương nặng ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Trong số các bệnh viêm não virus nói chung thì viêm não Nhật Bản chiếm tới 61% số ca mắc và hiện trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận trên 1.000 trường hợp bị viêm não Nhật Bản.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, qua giám sát, hầu hết trường hợp bị viêm não Nhật Bản là trẻ dưới 10 tuổi, chiếm tới 60% số ca mắc và có tới 90% số mắc chưa được tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản.

Người mắc viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn tinh thần, vật vã mê sảng với tỷ lệ tử vong cao từ 10-20%.

Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên

Liên quan tới tình hình dịch bệnh trong cả nước, tại hội nghị này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm qua, Việt Nam đã ngăn ngừa và khống chế không để các dịch bệnh nguy hiểm như Mer-CoV, cúm gia cầm H7N9, Ebola xâm nhập hay bùng phát thành dịch lớn.

Cùng với đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm tiếp tục khống chế được số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực có dịch lưu hành.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên người tiếp tục căng thẳng, diễn biến phức tạp. Trong đó nhiều dịch bệnh trên giới như Ebola, cúm gia cầm H7N9, Mers-CoV có khả năng xâm nhập vào Việt Nam nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Đối với các dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, Zika, tay chân miệng, dại, viêm não virus, liên cầu lợn, cúm... vẫn chưa thể khống chế được và việc giảm số người mắc, tử vong là rất khó khăn.

Các bệnh có vaccine phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Các bệnh ít được người dân quan tâm như ký sinh trùng, viêm gan virus… vẫn ghi nhận, song chưa được quan tâm đầu tư.

Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, năm 2017, ngành y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng, bảo đảm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, báo cáo kịp thời; triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, Zika…; tập huấn kỹ năng giám sát phát hiện, chẩn đoán một số bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (EOC) tại Bộ Y tế, các viện Pasteur; xây dựng thêm các văn phòng EOC tại một số tỉnh; tổ chức đánh giá nguy cơ một số dịch bệnh mới; kiện toàn đội cơ động đáp ứng nhanh tại tất cả các tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm giai đoạn 2016-2020; duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt trên hoặc bằng 95% quy mô huyện, đồng thời bảo đảm trên 90% quy mô xã phường và không để thông bản trắng về tiêm chủng…


Bệnh tay chân miệng có ở tất cả các địa phương

Ngày 15/2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh tay chân miệng hiện nay đã trở thành bệnh lưu hành, xuất hiện ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm, nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2-5 và từ tháng 9-12.

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng, sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam.

Từ đầu năm đến đầu tháng 2, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.  

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2016, trên toàn quốc có hơn 50.000 ca mắc tay chân miệng, giảm 16% so với 2015, số ca tử vong giảm hơn so với năm 2015./.


Nguồn: Theo baochinhphu.vn