Giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, tăng bao phủ bảo hiểm y tế

16/02/2017 07:04 AM



Nợ giảm nhưng vẫn phải lo


Tính đến ngày 31.12.2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 1.455.906 người, tăng 66.711 người (4,8%) so với thời điểm 31.12.2015; trong đó, số người cùng tham gia BHXH, BHYT là 99.836 người, tham gia BHTN là 86.379 người, tham gia BHXH tự nguyện là 1.591 người và tham gia BHYT là 1.354.479 người.

Năm 2016, tổng thu BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh được 2.386,423 tỉ đồng, đạt 103% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng 238,339 tỉ đồng (10,8%) so với năm 2015. Cụ thể: thu BHXH bắt buộc 1.301,581 tỉ đồng, (trong đó thu BHTN 82,525 tỉ đồng); thu BHXH tự nguyện 11,033 tỉ đồng; thu BHYT 1.067,149 tỉ đồng và thu lãi chậm đóng 6,660 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, chuyển biến tích cực trong năm 2016 là số thu tăng, số nợ giảm. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng 4,8% so với năm 2015 và tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 78,7% dân số toàn tỉnh, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk năm 2016. Nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát, giảm về số tiền và tỷ lệ trên số phải thu so với năm 2015. Đến hết tháng 12.2016, số nợ là 52,446 tỉ đồng, chiếm 2,26% so với số phải thu (trong khi số nợ năm 2015 là 87,242 tỉ đồng, chiếm 4,05% so với số phải thu). Trong đó, nợ BHXH 44,605 tỉ đồng, nợ BHTN 1,859 tỉ đồng, nợ BHYT 5,982 tỉ đồng.

Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, mặc dù năm vừa qua đã giảm nợ, hoàn thành vượt mức kế hoạch thu, nhưng thực tế vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm. Tính đến thời điểm tháng 12.2016, trên địa bàn tỉnh có tới 763 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên, tương ứng với số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi hơn 8.600 người. Trong đó, nợ BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 308 đơn vị với 4.261 lao động; nợ BHXH từ 3 tháng trở lên là 455 đơn vị với 4.385 lao động. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài là do tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài, phải ngừng sản xuất, không có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm hành chính về BHXH, BHYT chưa nhiều, chưa thường xuyên; việc xử lý thiếu triệt để cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp kéo dài nợ BHXH, BHYT, BHTN”, ông Khánh nhìn nhận.

Theo ông Khánh, để khắc phục tình trạng nợ trên, cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và cách thức tham gia, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia các loại hình bảo hiểm này. Đồng thời, nâng cao năng lực của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31.3.2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH để kịp thời phát hiện và xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm. Đối với những đơn vị cố tình chây ỳ, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh cần phối hợp chặt chẽ để tìm ra biện pháp xử lý phù hợp, khi cần thiết có thể khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

Nâng bao phủ BHYT lên 81,6%

Giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; theo đó tỉnh Đắk Lắk được giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT năm 2017 là 81,6% (so với chỉ tiêu 2016 là 78,5%). So với dân số của tỉnh (xấp xỉ 1,85 triệu người) thì việc tăng tỉ lệ 3,1% tương đương tăng thêm hơn 55.000 người có thẻ BHYT.

Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho rằng việc tăng chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT nói trên đòi hỏi nỗ lực lớn của toàn ngành BHXH; đồng thời có sự phối hợp với các ngành liên quan để triển khai các giải pháp thu hút người dân tham gia BHYT. Theo ông Sáng, trước hết công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT cần được đẩy mạnh nhằm giúp mọi đối tượng nhận thức được ý nghĩa nhân văn của BHYT; quyền và lợi ích của người tham gia BHYT trong bối cảnh viện phí tăng; đồng thời có biện pháp khuyến khích, vận động tham gia BHYT hộ gia đình.

Ông Sáng nhận định: “Để phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT, các địa phương trong tỉnh cần triển khai nhanh những cơ chế, chính sách nhằm phát triển BHYT, như đưa tiêu chí phát triển tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu thi đua cuối năm; triển khai việc hỗ trợ mức đóng BHYT cho đối tượng hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; sử dụng nguồn ngân sách hợp lý hỗ trợ mức đóng cho đối tượng khó khăn chưa tham gia BHYT”.

Ông Sáng cũng cho rằng để triển khai thực hiện đạt kết quả về chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phải tích cực điều tra, khảo sát số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của luật trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước để khai thác phát triển đối tượng; đồng thời tập trung khai thác đối tượng hộ gia đình, hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Mặt khác, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; tăng cường công tác giám định chi phí khám chữa bệnh, ngăn ngừa các hành vi trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Cùng với phát triển thẻ BHYT, Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với ngành Y tế tăng cường chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát tại các cơ sở điều trị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ; tổ chức tốt việc bố trí nhân lực tại các khoa, phòng phục vụ cho bệnh nhân BHYT; qua đó thu hút người dân tự nguyện tham gia BHYT.

Trong năm nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chương trình số 21-Ctr/TU ngày 18.1.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”…

Tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo luật định

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thường xuyên bám sát các đơn vị đôn đốc thu nộp, tính lãi suất chậm nộp, gắn việc trích nộp BHXH, BHTN, BHYT với việc giải quyết chế độ chính sách; chủ động đôn đốc thu nợ BHXH, BHTN, BHYT, rà soát phân loại các đơn vị nợ đọng để có kế hoạch xử lý cụ thể đối với từng đơn vị; mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; có giải pháp khuyến khích các địa phương vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH đến mọi người lao động, BHYT toàn dân vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện nghiêm túc tiêu chí phát triển BHXH, BHYT…



Nguồn: Theo thanhnien.vn