Lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân: Giải pháp quan trọng

27/02/2017 07:51 AM



Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn  nhấn mạnh, phải tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT thông qua việc người dân được chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở, đảm bảo mỗi người dân được cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc, định hướng, tư vấn ngay tại y tế cơ sở.

Mục tiêu này đang được BHXH Việt Nam cùng Bộ Y tế hiện thực hóa bằng Dự án lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sư sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ... Do đó, cùng với việc bao phủ BHYT toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về CSSK cho nhân dân.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ: Hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho việc quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác. Việc chẩn đoán điều trị bệnh sớm sẽ giảm bớt chi phí BHYT, đồng thời khi thông tin người bệnh thông suốt thì việc quản lý chi phí BHYT sẽ dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận, lạm dụng quỹ BHYT.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tình trạng sức khỏe của người dân đã có nhiều cải thiện; tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT. Để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân là rất cần thiết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội nghị

Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Khi có hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi người dân khi cần KCB có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí tiền túi của mỗi người dân cho việc KCB. Đồng thời thông qua đó, giúp cho quản lý quỹ KCB BHYT hiệu quả, ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn...

Khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân, mới đây, tại cuộc gặp mặt các thầy thuốc, chuyên gia y tế qua các thời kỳ, nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, một trong những công việc trọng tâm của ngành y tế trong năm 2017 là triển khai kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với mục tiêu phát BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việc khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm và tư vấn sức khỏe cho người dân là đúng theo nguyên lý của y học. Lấy dự phòng là quan trọng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đi từ cơ sở là giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế.

Ngành BHXH đã có những giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt khoảng 82% và phấn đấu đến năm 2020 đạt ít nhất 90% như chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, trên 12.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua mạng từ tháng 7/2016, qua đó chống thất thoát, lạm dụng BHYT, dành thêm kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

“Hiện nay 10 người mua BHYT chỉ có khoảng 4 người sử dụng để khám, kiểm tra sức khỏe ở trạm y tế, vì vậy việc khám định  kỳ, quản lý sức khỏe cá nhân sẽ giúp người dân nhận thức được những lợi ích từ BHYT. Còn cán bộ y tế cơ sở được làm việc nhiều hơn, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa cải thiện thu nhập”, Phó Thủ tướng nói.

Theo “Báo cáo tiến độ lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân” của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tại Phú Thọ, Bắc Ninh và Hà Nội. Phú Thọ triển khai thí điểm tại huyện Yên Lập với việc khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%. Dự kiến từ tháng 3 đến hết tháng 6 tới, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn.  Tại Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5 và 6 tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh.

Còn tại Hà Nội, từ năm 2014 đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình và đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt, dự kiến từ tháng 03 tới tháng 09 năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu.

Hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khỏe, bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi, độ tuổi học đường (6-18 tuổi); người trưởng thành (18-59 tuổi), người cao tuổi (từ 60 tuổi), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi).

Với hồ sơ quản lý sức khỏe này, người dân khi đi khám bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác. Bác sĩ có thể tìm được nhanh chóng các thông tin về sức khỏe của người bệnh, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.

Từ những kết quả ban đầu đáng khích lệ ở Bắc Ninh, Phú Thọ và sắp tới là Hà Nội mô hình sẽ được nhân rộng toàn quốc, giúp cho quá trình quản lý quỹ BHYT và tăng sức hấp dẫn của chính sách BHYT./.



Nguồn: Trang tin điện tử BHXH Việt Nam