Thường trực nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm trên người

06/03/2017 02:17 AM




Cúm A/H7N9 đang biến đổi nguy hiểm hơn

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin chính thức về sự biến đổi của vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm ở Trung Quốc từ độc lực thấp sang độc lực cao. Tuy sự thay đổi liên tục này vẫn được nhận định là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp, nhưng cũng là một yếu tố quan ngại mới.

Các chuyên gia vẫn chưa rõ vì sao, gần đây số ca mắc cúm A/H7N9 lại tăng nhanh đến vậy? Theo ghi nhận của WHO, từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 trường hợp mắc tại 14 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 449 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 96 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, ngày 4/2/2017, Đài Loan đã công bố 1 ca nhiễm cúm A/H7N9 sau khi trở về từ Quảng Đông và đã tử vong. Trước đó, còn có 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada nhiễm cúm A/H7N9, nhưng đều có tiền sử đi về từ các vùng có dịch của Trung Quốc. Điều này cho thấy dịch đã có dấu hiệu lây lan ra ngoài Trung Quốc.

Chỉ rõ nguy cơ dịch cúm này đối với Việt Nam, báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại, dịch cúm đã lây lan tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây là hai tỉnh có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam. Các địa phương này có các cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc với lưu lượng người, phương tiện, hàng hoá lưu thông hàng ngày lớn như Hà Khẩu (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Hữu Nghị, Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn). Ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000- 10.000 lượt người; 100- 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu nêu trên.

Đặc biệt, đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm tại khu vực này vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Theo thông tin từ Cục Thú y, từ năm 2016 đến hết ngày 15/2/2017, tại các tỉnh trên có số gia cầm nhập lậu bị bắt giữ lên tới trên 358.000 con; 62.406 kg thịt gia cầm và 212.080 quả trứng gia cầm. Ngoài ra, còn rất nhiều các cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở khác cũng giao lưu, buôn bán với nước bạn mà chưa thực sự kiểm soát hết được...

Trong một diễn tiến khác, dịch cúm A/H5N1 cũng đang là mối lo ngại thực sự đối với Việt Nam. Bệnh do cúm A/H5N1 trên người có thể gây ra tỉ lệ tử vong tới 50% số ca mắc. Mặc dù từ năm 2015 đến nay, Việt Nam không ghi nhận các trường cúm A/H5N1 trên người, nhưng dịch vẫn lưu hành trên đàn gia cầm. Trong năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Cần Thơ và Cà Mau. Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương, hiện nay cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra chưa qua 21 ngày tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi…

Nâng mức độ cảnh báo dịch cúm gia cầm

Tiếp tục khẳng định đến nay chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm tại Việt Nam; tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thuỷ- Phó Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, nguy cơ dịch gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Đại diện Cục Thú y và Tổ chức FAO cho biết, hai bên đang phối hợp để đưa các test nhanh xác định vi rút nhiễm cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm, dự kiến sẽ đưa vào thí điểm vào tháng 3/2017; sau đó sẽ mở rộng, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao.

Vẫn đánh giá nguy cơ lây lan cúm A/H7N9 từ người sang người rất thấp, đại diện WHO cho biết, tổ chức này chưa khuyến nghị hạn chế đi lại giữa các quốc gia có dịch. Tuy nhiên, WHO cũng khuyến nghị việc truyền thông về nguy cơ dịch bệnh tại cửa khẩu là rất quan trọng. Việt Nam cũng cần đặc biệt đẩy mạnh giám sát, dự phòng, sẵn sàng các điều kiện ứng phó nhanh trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nâng mức độ cảnh báo đối với dịch cao hơn. Đề nghị Bộ NN&PTNT chú trọng, quyết liệt ngăn chặn triệt để tình trạng gia cầm nhập lậu; cùng với Bộ Y tế mở rộng chương trình giám sát tại các chợ đầu mối gia cầm, các cửa khẩu biên giới phía Bắc và cả khu vực phía Tây Nam do tình hình dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm ở Campuchia cũng đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Long cũng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục mở rộng đối tượng giám sát, nhất là ở các địa phương nguy cơ cao, bởi “nếu không kịp thời phát hiện ca bệnh sớm trên gia cầm, trên người, để dịch bệnh âm thầm xâm nhập vào và bùng phát, thì rất khó khống chế". Cũng theo Thứ trưởng Long, tới đây, việc thực hiện tờ khai y tế với người nhập cảnh từ Trung Quốc cũng sẽ được xem xét triển khai.

“Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức diễn tập phòng chống dịch, ứng phó với các tình huống; tôi đề nghị Hà Nội tổ chức diễn tập trước vào tuần tới. Theo đó, các ngành, Thú y, Y tế… đặt ra tình huống diễn biến phức tạp để có kinh nghiệm xử lý trước, tránh như gà mắc tóc khi có dịch trên đàn gia súc hoặc trên bệnh nhân”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh; đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, tạo mọi điều kiện để quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Để hạn chế ở mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9 từ vùng dịch ngoài biên giới và lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ. Đặc biệt chú ý không nên ăn tiết canh và sử dụng gia cầm ốm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc…



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội