Lấy ý kiến góp ý quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH và Luật BHYT thuộc lĩnh vực y tế

13/03/2017 08:38 AM



Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dự thảo Thông tư quy định về: Danh mục bệnh, thẩm quyền xác định bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần; Việc lập hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng BHXH đối với người lao động và thân nhân; Việc cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, trích sao hồ sơ bệnh án, tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận nghỉ dưỡng thai, giấy xác nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Đối tượng áp dụng là người lao động tham gia BHXH quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 của Luật BHXH số 58/2014/QH13; Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng; người tham gia BHXH tự nguyện đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; Người đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ tử tuất là thân nhân của người lao động tham gia BHXHmà người lao động đó đã chết (sau đây gọi tắt là thân nhân người lao động); Người có thẻ BHYT.

Danh mục bệnh, thẩm quyền xác định bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần, nêu rõ các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần; Thẩm quyền xác định hưởng chế độ BHXH một lần; Giấy tờ xác định người bị bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần.

Liên quan đến khám giám định để hưởng BHXH, Thông tư quy định về Hồ sơ giám định, các trường hợp giám định (do tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; giám định để thực hiện chế độ hưu trí, tử tuất);  Trách nhiệm lập hồ sơ; Trình tự giám định y khoa, Thời hạn giám định; Thẩm quyền thực hiện giám định y khoa; Tiếp nhận hồ sơ giám định y khoa;  Quy trình giám định y khoa;  Đánh giá mức suy giảm khả năng lao động.

Thông tư cũng quy định nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;  Hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; Thủ tục cấp phôi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Liên quan đến đến thủ tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, một số quy định được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT - BYT - BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT về Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT - BYT - BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT về thanh toán BHYT trong một số trường hợp; Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT về thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Sửa đổi điểm b Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 05/2016/TT-BYT ngày 29 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú...

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng giám định y khoa.

Cụ thể, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm: Chủ trì trong việc tổ chức triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết việc triển khai Thông tư này trên phạm vi toàn quốc; Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành. Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em: Phối hợp cùng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết việc tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc; Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành.

BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trong hệ thống BHXH tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Quản lý thống nhất việc in, cấp phôi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc đăng ký cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và đăng tải công khai trên trang tin điện tử của BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH tỉnh danh sách các cơ sở được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cũng như phạm vi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của cơ sở đó. Kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và kiến nghị cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì trong việc tổ chức triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết việc triển khai Thông tư này trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng giám định y khoa phổ biến, quán triệt nội dung của Thông tư này đến toàn bộ người hành nghề và nhân viên của cơ sở mình. Cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định tại Thông tư này;Giám sát việc ghi nội dung trong các giấy tờ quy định tại Thông tư này của người hành nghề tại cơ sở của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc cấp các giấy tờ này. Cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, dữ liệu cấp các hồ sơ, giấy tờ, biên bản giám định y khoa vào cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh quốc gia để liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan BHXH. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi có trách nhiệm cung cấp bản sao có đóng dấu treo giấy chuyển viện cho người bệnh khi có yêu cầu.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng tải, lấy ý kiến góp ý trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế,…/.



Nguồn: Trang tin điện tử BHXH Việt Nam