Phòng, tránh & Điều trị bệnh tiểu đường

23/03/2017 07:24 AM



Căn bệnh của thế kỷ XXI

Năm 1995, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê có 135 triệu người ĐTĐ trên toàn thế giới (chiếm 4% dân số thế giới) dự báo năm 2010 sẽ là 221 triệu người và năm 2025 là 330 triệu người mắc căn bệnh này (chiếm 5,4%). Nhưng đến năm 2011, khi WHO thống kê lại đã có 366 triệu người ĐTĐ và dự kiến đến năm 2030 sẽ có 552 triệu người mắc bệnh. Vì vậy, WHO nhận định rằng: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa mà điển hình là bệnh ĐTĐ. Những gì mà đại dịch HIV/AIDS đã hoành hành 20 năm cuối thế kỷ XX, thì đó sẽ là điều ĐTĐ làm trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI”.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Các chuyên gia còn cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65%. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh hơn so với mức trung bình của thế giới.

Đái tháo đường đang gia tăng nhanh và trẻ hóa


Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2001, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ tại khu vực nội thành của 4 thành phố lớn là 4%, đến năm 2008 tỷ lệ chung toàn quốc là 5,7% và đến nay đã hơn 6%.

Tuy tỷ lệ ĐTĐ của Việt Nam không cao nhất thế giới, nhưng Việt Nam lại có 3 yếu tố nguy cơ: Tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới,  người bệnh đang “trẻ hóa” nhiều và nhận thức của cộng đồng về đái tháo đường còn rất thấp.

Một thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, trước đây người mắc bệnh thường ở độ tuổi ngoài 40 thì nay đang ngày càng trẻ hóa do lối sống tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và lười vận động thể lực, dẫn đến dư thừa năng lượng. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đã và đang điều trị nhiều trẻ em bị tiểu đường. Cách đây hơn 5 năm, em bé nhỏ tuổi nhất mắc bệnh là 11 tuổi, hiện nay cũng có nhiều bệnh nhân 13-15 tuổi, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở miền núi. Các em đến đây đều trong tình trạng dư thừa về cân nặng, bố mẹ chưa quan tâm đến dinh dưỡng của con. Nếu ăn một miếng pho mát phải đi 20 cây số mới tiêu thụ hết năng lượng nhưng các cháu lại lười vận động

Đái tháo đường có khá nhiều biến chứng


Bệnh tiểu đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch… Tuy nhiên, có tới hơn 70% số ca bệnh tiểu đường type 2 có thể phòng tránh được nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn.

Chi phí điều trị tốn kém

Chi phí để điều trị ĐTĐ khá phức tạp, tốn kém, thường gấp 2-4 lần người bình thường. Chi phí bao gồm cả thuốc men, trang thiết bị, xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí những lần đi khám, kiểm tra v.v…Hơn nữa, người bệnh nặng, có biến chứng còn bị mất khả năng lao động, giảm thu nhập cho gia đình. Vì vậy, tham gia BHYT cũng là một giải pháp quan trọng bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa gánh nặng tài chính cho những người mắc ĐTĐ.

Có thể phòng ngừa

Hiện nay, với nền y học hiện đại, dù tiểu đường vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể làm giảm rất nhiều những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh và giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn khi “sống chung” với căn bệnh này, những dấu hiệu sau là những triệu chứng sớm của tiểu đường mà mọi người cần lưu ý: Khát nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày; thường có cảm giác đói cồn cào; giảm thị lực; giảm cân nhanh; mệt mỏi, đau đầu; vết thương ở chân, tay lâu lành; khi ấy, các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ khi có những triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu như bản thân mỗi cá nhân thực hiện lối sống lành mạnh. Để phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút/ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá...

Tầm soát đơn giản

Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam khuyến cáo người dân hãy đi khám sức khỏe thường xuyên và nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh. Những người béo phì, người bị tăng huyết áp, rồi loạn li-pít mỡ máu, phụ nữ đẻ con hơn 4 cân, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là những người cần được sàng lọc để chẩn đoán bệnh đái tháo đường vì đó là những người có nguy cơ cao. Nếu phát hiện, ngăn chặn từ lúc rối loạn chuyển hóa gluco trong máu thì sẽ sớm ngăn chặn được bệnh đái tháo đường.

Trước đây, định lượng đường máu đói (Go) và Nghiệm pháp dung nạp glucose là hai xét nghiệm kinh điển, cơ bản để xác định ĐTĐ. Gần mười năm trở lại đây, đường máu bất kỳ (Gbk) và HbA1C được đưa vào tiêu chuẩn chẩn đoán, sàng lọc trên toàn thế giới.

Lợi thế của hai xét nghiệm này là tính khả thi: có thể lấy mẫu máu xét nghiệm bất kỳ, đặc biệt vẫn cho kết quả tin cậy khi bệnh nhân đã lỡ ăn no.

Điều trị hiệu quả

Hiện nay, thuốc điều trị ĐTĐ có rất nhiều loại, nhưng tựu trung nằm trong 5 nhóm: insulin, kích thích tiết insulin, chống kháng insulin, giảm hấp thu glucose và giảm phân hủy insulin. Tuy nhiên, trong cả bốn thể bệnh ĐTĐ, cuối cùng đều phải dùng đến insulin./.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội