Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến gia tăng gánh nặng y tế

20/04/2017 03:29 AM




NKBV (nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế) đang là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên thế giới; đang là gánh nặng cho người bệnh, cơ sở KCB trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước chậm và đang phát triển. NKBV làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian làm việc, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Kết quả điều tra cắt ngang - nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tại 55 BV của 14 nước trên thế giới đại diện cho các khu vực công bố tỉ lệ NKBV là 8,7%. Ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc NKBV.

Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế (2005) trên 9.345 người bệnh của 10 BV cho thấy, tỉ lệ NKBV chiếm 5,8%, trong đó cao nhất là nhiễm khuẩn phổi (viêm phổi BV) chiếm 55,4%. Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và VINAREX (2013) trên 3.671 người bệnh của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 BV trên toàn quốc cho thấy, tỉ lệ NKBV là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5- 99,5%. Các BV tuyến Trung ương có tỉ lệ NKBV cao hơn và là tác nhân hàng đầu gây NKBV- tương tự các mầm bệnh hiện nay trên thế giới. Đặc biệt, các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm Carbapennem dao động từ 50- 75%.

Tuy nhiên, dù NKBV đang được WHO cảnh báo là một vấn đề cộng đồng nghiêm trọng, nhưng thực tế, kết quả khảo sát của Bộ Y tế về hệ thống thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong các BV (khảo sát tại 476 BV trong tháng 3/2017) lại cho thấy: Các BV dường như chưa ý thức được tính chất nghiêm trọng của thực trạng này; chưa dành nhiều quan tâm cho việc thực hiện giám sát nhiễm khuẩn. Mặc dù có tới 72,06% BV có xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hàng năm, nhưng việc thực hiện các hoạt động giám sát rất thấp. Cụ thể, trong năm 2016 chỉ có 37,39% số BV thực hiện giám sát NKBV hiện mắc trong toàn BV (93 BV); 23,84% thực hiện giám sát NKBV mới mắc tại các khoa trọng điểm; 28,36% BV thực hiện giám sát NKBV hiện mắc tại các khoa trọng điểm hoặc nhóm bệnh trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉ lệ BV thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm cũng chưa cao (40,97%) và chỉ có 13,45% số BV thực hiện giám sát vi sinh vật kháng thuốc…

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong tổng số 93 BV thực hiện giám sát NKBV hiện mắc năm 2016, tỉ lệ NKBV trung bình là 3,6%, trong đó BV tuyến tỉnh cao nhất với 5,06%, tiếp theo là tuyến Trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và thấp nhất là BV tư nhân với 1,45%...

“Để hoạt động giám sát NKBV đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Cùng với đó, sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 BV ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam (gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh Nhiệt đới, ĐH Y dược TP.HCM và Nhi đồng 1) hoàn thiện mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn”- ông Hoàng Văn Thành- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của WHO, để kiểm soát nhiễm khuẩn BV hiệu quả, rửa tay là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất để phòng bệnh, hạn chế nguy cơ NKBV bởi các tác nhân gây bệnh từ bệnh nhân và môi trường y tế có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Bên cạnh đó, kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được các nhân viên y tế Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật…/.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội