Nghị quyết 21-NQ/TW - Tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước

31/05/2017 12:55 AM



Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự ra đời của Nghị quyết 21-NQ/TW

Có thể khẳng định chính sách BHXH và BHYT là những chính sách quan trọng, có vai trò trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; tác động đến đời sống kinh tế và chăm sóc sức khỏe của hầu hết các thành viên trong xã hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02/9/1945), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, về chính sách BHXH, BHYT Hiến pháp xác định rõ: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các Sắc lệnh quy định về chế độ BHXH, điều kiện nghỉ hưu, quỹ hưu trí, mức hưởng thụ và các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Đây là những định hướng về chính sách BHXH, BHYT đầu tiên của nước ta, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và cao đẹp, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản để tăng cường lãnh đạo và thực hiện các chế độ BHXH, BHYT trong tình hình mới như: Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện chính sách BHXH, Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban bí thư về "Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới".... Đặc biệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH năm 2006, Luật BHYT năm 2008. Như vậy, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 22/11/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH ,BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT. Nghị quyết còn xác định rõ tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển BHXH, BHYT đến năm 2020.   

Thành quả đạt được

Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp đặc biệt là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH tỉnh Đắk Lắk, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Cụ thể:

Tính đến 20/5/2017 số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 1.464.967 người, tăng 127.344 người so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: Tham gia BHXH, BHYT bắt buộc: 99.787 người,  tham gia BHTN 86.293 người; tham gia BHXH tự nguyện: 1.670 người; chỉ tham gia BHYT là 1.363.510 người

Số lượng thẻ BHYT phát hành còn giá trị sử dụng đến 20/5/2017 là 1.463.297 thẻ, chiếm 78,2% dân số toàn tỉnh.

Sự tăng nhanh của đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã cho thấy hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển cũng như nguyện vọng của người dân trong cả nước. Đây là nền tảng vững chắc của sự phát triển BHXH, BHYT và chỉ có sự tham gia tích cực của đông đảo người dân mới thực hiện được BHXH cho mọi người lao động và BHYT cho toàn dân.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác BHXH, BHYT vẫn còn một số hạn chế:

Việc phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu rộng, chưa thường xuyên.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn thấp, thấp hơn so với yêu cầu: Vẫn còn trên 20% dân số chưa tham gia BHYT, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện rất thấp, mới trên 10% tổng số người trong độ tuổi lao động, số đối tượng tham gia BHTN vẫn còn rất thấp so với tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp. Tình trạng hàng vạn lao động chưa được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật vẫn đang là vấn đề nan giải ở nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý là nhiều đối tượng người dân làm nông nghiêp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, mặc dù đã được ngân sách nhà nước  hỗ trợ 30% mức đóng , nhưng vẫn không tham gia BHYT.

Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT ngày càng gia tăng trong khi chế tài chưa đủ mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành BHXH. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tổng số tiền nợ đến 20/5/2017 là 95,901 tỷ đồng, chiếm 3,89% kế hoạch thu, bao gồm: Nợ BHXH 39,988 tỷ đồng, nợ BHTN 5,130 tỷ đồng, nợ BHYT 50,783 tỷ đồng (trong đó ngân sách nợ 36,701 tỷ đồng).

Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện; tính ổn định của chính sách BHXH chưa cao, một số chế độ thường xuyên thay đổi; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân,tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh vẫn xảy ra ở các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 21-NQ/TW

Có thể nói, sự ra đời của  Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 chính là sự tiếp nối cụ thể hóa định hướng quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: "Bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, BHTN, trợ giúp xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương”.

Nghị Quyết 21 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện Luật BHXH, BHYT ở nước ta hiện nay; thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sắc toàn diện của Bộ Chính trị đối với công tác BHXH, BHYT. Thông qua việc ban hành Nghị Quyết đã thống nhất chỉ đạo thực hiện cả chính sách BHXH và BHYT, thay bằng 2 văn bản riêng như trước đây (Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện chính sách BHXH và Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới").

Nghị Quyết đã xác định rõ vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, đồng thời chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020.

Nghị Quyết 21 còn xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT.

Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, dư kiến trung tuần tháng 7/2017 BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW trên địa bàn tỉnh , việc sơ kết  Nghị quyết 21 lần này sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ và sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời đánh giá những mặt làm được , những hạn chế, yếu kém.. để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cấp các ngành tiếp tục vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết 21 đề ra đó là đến năm 2020 50% người lao động tham gia BHXH, 90% người dân tham gia BHYT./.





Nguyễn Thị Xuân - PGĐ BHXH tỉnh