Kiên quyết đấu tranh với lạm dụng BHYT

01/09/2017 08:42 AM




Tại Hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam đã thông tin về một số vấn đề liên quan hoạt động của Ngành đang được dư luận quan tâm như: Một số nội dung trong Quyết định 595/QĐ-BHXH về đổi mới quy trình thu và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; kết quả thực hiện BHYT HSSV năm học 2016- 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018; tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Đồng thời, cùng với đại diện Bộ Y tế trực tiếp giải đáp các câu hỏi của phóng viên như: Định hướng sử dụng biệt dược gốc trong điều trị cho bệnh nhân BHYT, các giải pháp chống lạm dụng quỹ KCB BHYT, hệ thống giám định BHYT điện tử…

Tiếp tục chia sẻ mối lo ngại về mức độ sử dụng quỹ KCB BHYT vượt quá khả năng chi trả của quỹ, ông Lê Văn Phúc- Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT cảnh báo: Trong điều kiện mức đóng không tăng và chính sách cũng như mức chi tiêu như hiện nay, dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỉ đồng cho chi KCB BHYT. Đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng. Còn nếu các điều chỉnh chính sách theo hướng đang được xây dựng (sửa đổi Nghị định 105, mở rộng DMT, chi trả ARV, thuốc lao, điều chỉnh giá DVYT có kết cấu CNTT và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định…), chi phí sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần.

Đề cập đến thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng tinh vi và trầm trọng, ông Phúc chỉ rõ: Theo nguyên tắc, cơ sở KCB sử dụng vượt trần quỹ KCB BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2016, khi quỹ BHYT bội chi khoảng 7.590 tỉ đồng, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số BV (Phục hồi chức năng, y học cổ truyền tại Nghệ An) chỉ định 100% bệnh nhân đến khám bệnh vào điều trị nội trú…

Tham gia giải đáp các băn khoăn của báo chí về những nội dung cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và cân đối quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định: "Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền lan tràn, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…

Cũng theo ông Sơn, theo Luật BHYT, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở KCB. Do vậy, muốn kiểm soát tốt quỹ BHYT, cần phải dựa vào tất cả các công cụ đã được quy định trong Luật hiện hành như: Xây dựng, điều chỉnh chính sách về BHYT; giao dự toán; kiểm soát sử dụng quỹ.

Tại Hội nghị, chia sẻ một trong những điểm nhấn quan trọng của Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2007 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Vũ Mạnh Chữ- Phó trưởng Ban Thu cho biết: Từ ngày 1/8/2017, BHXH Việt Nam thực hiện cấp mã số BHXH mới cho người tham gia BHXH. Đây là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia, giúp cơ quan BHXH quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT; làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.

Theo đó, việc làm này sẽ mở ra rất nhiều lợi ích. Đối với người tham gia, chỉ cần cung cấp mã số BHXH của mình để được hưởng các chế độ BHXH, BHYT thuận lợi trên phạm vi toàn quốc; đồng thời có thể tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của mình. Trường hợp không nhớ mã số BHXH, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý. Đối với đơn vị SDLĐ, sẽ thuận tiện trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT. Còn đối với cơ quan BHXH, hệ thống dữ liệu thống nhất này sẽ giúp quản lý được chặt chẽ quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT của từng người; có thể cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc; cắt giảm TTHC, giảm thời giờ và tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan BHXH./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội