Tham gia BHYT để xây dựng tương lai

14/09/2017 09:13 AM




Trên thực tế, ốm đau, bệnh tật luôn có thể xảy đến với bất kì ai mà không hề báo trước. Chi phí điều trị ốm đau, bệnh tật đôi khi rất lớn, nằm ngoài khả năng chi trả của cá nhân và gia đình. Thế nên, chi phí điều trị bệnh tật còn được gọi là “bẫy nghèo” trong y tế. Chiếc “bẫy” này rất dễ đẩy những người nghèo vào cảnh cùng cực và nghèo hơn; kéo những người giàu có, khá giả xuống mức nghèo khổ.

Giải pháp tránh mắc “bẫy”

BHYT ra đời là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người tránh được bẫy nghèo. Đây là một hình thức huy động các nguồn lực trong xã hội để cùng với Nhà nước xây dựng một nguồn quỹ đảm bảo chăm lo cho sức khỏe người dân.

Ở nước ta. BHYT là 1 trong 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia.

Với chính sách BHYT, Nhà nước đã huy động sự đóng góp của các cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để hình thành nên quỹ KCB BHYT nhằm đảo bảo tài chính cho sức khỏe mọi người, tăng cường chất lượng trong việc KCB. Trong các trường hợp ốm đau, bệnh tật, quỹ sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc chi trả chi phí điều trị, mang lại sự an tâm về tài chính y tế cho mọi người.

Đồng hành trong chăm sóc sức khỏe HSSV

BHYT có ý nghĩa trong việc đảm bảo tài chính cho sức khỏe của mọi người. Với HSSV- thế hệ tương lai của đất nước thì BHYT lại càng quan trọng. Tham gia BHYT HSSV chính là một cơ chế đảm bảo an toàn cho bản thân các em, cho gia đình và cả cộng đồng xã hội. BHYT HSSV chú trọng công tác giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo dục các em ý thức phòng tránh những rủi ro, bệnh tật, biết tự bảo vệ sức khỏe cho mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh. Từ nguồn kinh phí từ BHYT HSSV, các em được đảm bảo chăm sóc sức khỏe khi ngồi trên ghế nhà trường qua hệ thống y tế trường học; khi xảy ra những rủi ro về sức khỏe cũng an tâm hơn vì đã có nguồn tài chính hỗ trợ trong điều trị. Không chỉ vậy, đây là còn là hình thức chia sẻ các rủi ro tài chính y tế đầy tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục quan trọng trong việc hình thành nhân cách các em. Với ý nghĩa “lấy của người khỏe bù cho người yếu”, BHYT HSSV sẽ sẻ chia, đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập, tích lũy kiến thức cho tương lai.

WHO cho biết, hiện nay, hầu hết các quốc gia đã có các chính sách, chương trình tài trợ cụ thể để cải thiện phạm vi tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Ở một số quốc gia như Hà Lan, chính phủ chi trả phí BHYT cho tất cả trẻ em. Một số quốc gia khác như Ấn Độ đã đảm bảo phí bảo hiểm cho một bộ phận trẻ em, như trẻ em trong các gia đình nghèo. Trong khi đó, có những quốc gia lại khuyến khích thông qua việc thanh toán toàn bộ chi phí KCB (như Thụy Điển) hay áp dụng mức đồng chi trả thấp hơn so với người lớn (như ở Thụy Sĩ). Tại Ai Cập và Việt Nam, việc phát triển chương trình BHYT thông qua hệ thống trường học cũng đã góp phần gia tăng số HSSV tham gia BHYT, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

WHO cũng cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định mối liên hệ rất chặt chẽ giữa BHYT và việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khoẻ của thế hệ trẻ đối với sức khoẻ, kết quả học tập cũng như chất lượng cuộc sống của chính các em. Trên thực tế, sự thiếu vắng BHYT không chỉ có ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe trong hiện tại, mà còn có nguy cơ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các em khi trưởng thành.

BHYT HSSV: Từ tự nguyện đến bắt buộc

Điều lệ BHYT ban hành theo Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng bộ trưởng quy định các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT là CBCNVC tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động, chủ SDLĐ và NLĐ ở các đơn vị cụ thể; còn các đối tượng khác tham gia BHYT tự nguyện (trong đó bao gồm HSSV).

Tiếp đó, Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT cũng tiếp tục xác định “BHYT tự nguyện được áp dụng đối với mọi đối tượng có nhu cầu tham gia BHYT” (Điều 3). Như vậy, HSSV vẫn thuộc nhóm đối tượng tự nguyện nếu có nhu cầu tham gia BHYT.

Đến những năm gần đây, việc phát triển BHYT đối với nhóm đối tượng HSSV nằm trong chủ trương chung tiến tới BHYT toàn dân mà Đảng ta đã xác định (tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; tiếp đó là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII…).

Từ định hướng của Đảng, Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 đã quy định HSSV là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã quy định “BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân”. Với quy định này, HSSV chính thức được xác định là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Ngày 3/6/2016 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác BHYT HSSV. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT “chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, bảm đảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV; Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV, nhất là SV tham gia BHYT…

Quan tâm hỗ trợ HSSV tham gia BHYT

Với sự quan tâm đặc biệt tới HSSV, thế hệ tương lai của đất nước, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ HSSV tham gia BHYT.

Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, HSSV là đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho HSSV thuộc: Hộ nghèo; Người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc đang sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo; Hộ cận nghèo mới thoát nghèo (thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo); Hộ cận nghèo sống tại các huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP); Thân nhân người có công; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định; Con của cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Với HSSV thuộc hộ cận nghèo, NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Những HSSV không thuộc các đối tượng trên được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT.

Những kết quả tích cực

Số HSSV tham gia không ngừng tăng

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT, nhất là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp, trong những năm qua, công tác BHYT HSSV đã được thực hiện hiệu quả trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH và các ngành hữu quan như GD-ĐT, Y tế, LĐ-TB&XH; các tổ chức như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam cũng như sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Kết quả đáng chú ý đầu tiên là số lượng HSSV tham gia BHYT có sự tăng trưởng đáng kể sau mỗi năm. Nếu như năm học 2006- 2007 trong cả nước mới chỉ có 45% HSSV tham gia BHYT, thì đến năm học 2010-2011, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã tăng lên gần 70%. Đến năm học 2012-2013 con số này tăng lên 80%; năm học 2013-2014 là 85%; đến năm học 2014-2015 đạt 88,5%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT.

Đáng chú ý, năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên thực hiện BHYT HSSV theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015). Mặc dù mức đóng BHYT được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; giảm mức chi chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại y tế trường học (YTTH) từ 12% xuống 7%, kèm theo các điều kiện cụ thể về YTTH để được cấp kinh phí…, nhưng kết quả đạt được vẫn khá khả quan khi tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó số HSSV tham gia tại trường học là 12,8 triệu em; tham gia theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) là hơn 2,8 triệu em.

Đến năm học 2016-2017, số HSSV tham gia BHYT đã tăng tới khoảng 15,9 triệu em, đạt tỷ lệ 92,5%.

Với kết quả này, HSSV là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất và là đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT.

Tạo điều kiện phát triển công tác chăm sóc sức khỏe HSSV

Trước đây, do điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách hạn hẹp nên mạng lưới YTTH chưa có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, từ khi chính sách BHYT HSSV được triển khai, với quy định trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu BHYT để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV tại trường học, hệ thống YTTH đã có điều kiện được khôi phục, phát triển.

Hiện nay, khoản kinh phí trích lại từ số thu BHYT đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn kinh phí của hoạt động YTTH (hiện tại, nguồn trích lại từ quỹ BHYT chiếm khoảng 82%, trong khi phần chi từ NSNN cho YTTH chỉ khoảng 18%). Cụ thể, nếu năm học 2005-2006 kinh phí phân bổ từ quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại YTTH là 75 tỷ đồng thì đến năm học 2010- 2011 đã tăng lên khoảng trên 300 tỷ đồng; năm học 2012- 2013 đạt khoảng 350 tỷ đồng; năm học 2013-2014 là hơn 441 tỷ đồng; năm học 2015-2016 tăng lên trên 500 tỷ đồng… Từ nguồn kinh phí này, hệ thống YTTH được củng cố, phát triển; tỷ lệ trường có phòng y tế đã tăng từ 44,79% (năm 2006) lên 82,54% vào năm 2014; hệ thống trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, tủ thuốc… của YTTH từng bước được đầu tư, trang bị. Do có nguồn kinh phí ổn định để hoạt động, YTTH đã đảm trách khá tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường. Thông qua YTTH, HSSV được khám sức khỏe định kỳ, được quản lý sức khỏe, sơ cấp cứu, xử trí các tai nạn, thương tích vốn hay xảy ra ở lứa tuổi học đường…

Từ việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có hàng triệu lượt HSSV bị ốm đau, tai nạn được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB. Trong đó rất nhiều em mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính như suy thận, ung thư, tim mạch… đã được quỹ BHYT đảm bảo chi phí điều trị lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ thể hiện qua những hiệu quả cụ thể trên, BHYT HSSV còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách và lối sống nhân ái. Tham gia BHYT là các em đã chấp hành đúng pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân đối với xã hội. Hơn nữa, các em nhận được bài học về sự sẻ chia, cảm thông trước những khó khăn của những người không may bị bệnh. Nhân cách sống tốt đẹp ấy sẽ hình thành trong các em, theo các em đi hết cuộc đời và truyền từ đời này sang đời khác…/.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội