Điểm sáng về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

19/09/2017 02:59 AM




Năm học 1995-1996 tỉnh Đắk Lắk bắt đầu triển khai loại hình BHYT cho học sinh, sinh viên (lúc còn là BHYT tự nguyện), nhận thấy lợi ích thiết thực của BHYT học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động phụ huynh và học sinh tham gia BHYT và từ đó đến nay trường THCS Trần Quang Diệu luôn thực hiện tốt chính sách BHYT học sinh và công tác Y tế trường học (YTTH). Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng cho biết: “BHYT là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân theo hướng công bằng và hiệu quả, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Tham gia BHYT, học sinh được quản lý về sức khoẻ, được giải quyết kịp thời các rủi ro ốm đau, tai nạn trong thời gian học tập ở trường. Học sinh tham gia BHYT được cán bộ YTTH hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, phòng chống các tệ nạn xã hội, các bệnh lây truyền ... Thời gian đầu triển khai BHYT học sinh Nhà trường luôn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, chính sách BHYT với mọi người còn hoàn toàn mới mẽ, công tác khám chữa bệnh BHYT còn nhiều phiền hà... Nhưng với mục tiêu tất cả vì sức khoẻ của các em học sinh Nhà trường đã kiên trì tuyên truyền vận động đối với giáo viên và gia đình học sinh. Khó khăn thì nhiều nhưng với sự tuyên truyền giải thích về tính ưu việt của chính sách BHYT và những việc làm cụ thể đem lại quyền lợi thiết thực cho học sinh, bên cạnh đó hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) và các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự phối hợp để tăng cường, tiếp cận dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, đảm bảo cho bệnh nhân BHYT được chăm sóc sức khoẻ ngay tại y tế xã, phường đồng thời với việc cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận và khám bệnh, kê đơn cấp thuốc cho bệnh nhân BHYT, dần dần phụ huynh, học sinh đã hiểu ra, từ đó ủng hộ và tin tưởng vào chính sách nhân đạo của BHYT”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng còn cho biết thêm, điều mà thầy tâm đắc nhất là các bậc phụ huynh rất quan tâm đến công tác học tập và chăm sóc sức khỏe của con em mình tại nhà trường, điều đó thể hiện trong những lần họp phụ huynh, các bậc phụ huynh tham dự rất đầy đủ, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho nhà trường, phối hợp với nhà trường thông qua cô giáo chủ nhiệm đóng góp đầy đủ các khoản thu cho con em mình theo quy định ngay từ đầu năm học, một điều thuận lợi nữa đó là đa số giáo viên của trường là người tại điạ phương tham gia dạy dỗ các em nên càng gần gủi, gắn bó, tâm huyết hơn với nhà trường và các em học sinh.

Do vậy, đến nay, khi bước vào năm học mới thì việc tham gia BHYT đã trở thành quen thuộc với nhà trường, mỗi giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, trừ các em học sinh thuộc diện chính sách còn lại tham gia BHYT 100% (năm học 2017-2018 toàn trường có 1.157 học sinh, trong đó có khoảng 150 em thuộc đối tượng chính sách được nhà nước cấp thẻ BHYT). Đặc biệt trong năm học 2017-2018, thực hiện chủ trương của BHXH Việt Nam về cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, Ban Giám hiệu nhà trường đã thông báo đến toàn thể giáo viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh trong việc thu tiền, lập danh sách, kê khai, bổ sung thông tin… , phối hợp với cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT cho các em được kịp thời, đúng quy định.

Về công tác YTTH, từ nguồn kinh phí trích từ quỹ BHYT học sinh, nhà trường đã tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh và trả lương cho cán bộ phụ trách y tế góp phần đảm bảo cho hoạt động của YTTH. Với căn phòng rộng hơn 12 mét vuông thoáng mát, sạch sẽ, trang bị 1 giường bệnh, thuốc và tủ thuốc, trang thiết bị dụng cụ y tế phục vụ cho việc khám bệnh, sơ cấp cứu ban đầu,  đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn là y sỹ trực thường xuyên tại trường, từ đó hệ thống y tế trường học ngày càng được cũng cố  phát triển phục vụ tốt cho công tác giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, phòng chống và hạn chế các bệnh tật về học đường, tạo sự an tâm tin tưởng cho các bậc phụ huynh khi cho con em mình tham gia BHYT.

Bình quân mỗi tháng trên 60 lượt học sinh được khám và cấp thuốc tại YTTH, chủ yếu là các bệnh như sốt siêu vi, đau mắt đỏ, viêm họng, sốt, ho, một số trường hợp học sinh không may bị tai nạn, chấn thương nhẹ phần mềm, trầy sướt do bị té, ngã…  cũng đã được sơ cứu và điều trị kịp thời. Nhà trường cũng đã phối hợp với Trạm y tế xã, Trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột khám tổng quát cho toàn bộ học sinh ngay từ đầu năm học, qua đó nhiều em đã được phát hiện bệnh sớm, những bệnh mà học sinh thường hay mắc phải và được điều trị kịp thời …

Cùng với việc chăm sóc sức khoẻ cho học sinh tại YTTH, có nhiều trường hợp học sinh của trường bị ốm đau, tai nạn phải chuyển lên tuyến trên điều trị, Nhà trường cũng đã phối hợp kịp thời với gia đình, cơ quan BHXH hướng dẫn các thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS Trần Quang Diệu đã đem hết sức mình phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, đã đạt được nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, công tác xã hội,  phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế, BHXH, xây dựng củng cố mạng lưới YTTH góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, nhiều năm liền được BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh tặng Bằng khen, giấy khen về công tác BHYT học sinh và YTTH, xếp thứ hạng cao trong phong trào thi đua cụm...

Có thể nói rằng cho đến nay chính sách BHYT cho học sinh , sinh viên đã nhanh chóng mở rộng đến hệ thống trường học tại các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. BHYT học sinh đã tạo điều kiện cho hệ thống YTTH phục hồi và phát triển. Quỹ BHYT là nguồn kinh phí chủ yếu để duy trì hoạt động của YTTH, phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, làm tốt công tác phòng ngừa các bệnh học đường và hổ trợ đắc lực cho công tác giáo dục sức khoẻ. Quỹ BHYT học sinh cũng đã giúp cho nhiều học sinh, sinh viên và gia đình giải quyết được khó khăn về tài chính khi cần khám chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh có chi phí lớn.

Tuy vậy, cho đến nay ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gần 20% số học sinh thuộc diện tham gia BHYT tại nhà trường nhưng chưa tham gia BHYT, chủ yếu là các em học sinh thuộc gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn, các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có điều kiện để tham gia BHYT nhưng ngược lại có nhu cầu chăm sóc sức khỏe rất cao. Bên cạnh đó hệ thống YTTH vừa thiếu vừa yếu, cán bộ YTTH chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa hội đủ các điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khoẻ cho thế hệ trẻ ở các trường học. Chúng tôi mong rằng những kết quả đạt được về công tác BHYT học sinh và mô hình YTTH ở trường THCS Trần Quang Diệu thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng được nhân rộng cho tất cả các trường ở các cấp học trong toàn tỉnh./.




Lê Xuân Khánh