Bảo hiểm y tế - 25 năm hình thành và phát triển

27/10/2017 04:00 AM



Trải qua gần 25 năm thực hiện chính sách BHYT, với nhiều lần thay đổi, BHYT đã tạo nên những đổi thay quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính y tế mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân và đã đạt được những kết quả nhất định.

Chính sách BHYT bắt đầu được triển khai từ năm 1992. Theo Điều lệ BHYT được ban hành kèm theo Nghị định 299/NĐ/CP của Chính phủ, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; BHYT các tỉnh và ngành trực thuộc BHYT Việt Nam. Đến năm 1998, thực hiện Nghị định số 58/1998/NĐ-CP của Chính phủ, BHYT Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất hệ thống cơ quan BHYT từ trung ương đến địa phương và BHYT ngành để quản lý và thực hiện chính sách BHYT. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Từ ngày 01/01/2003, BHYT sát nhập vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đến ngày 08/8/2005 Chính phủ đã có Quyết định thành lập Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT.

Trong gần 25 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về BHYT, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, góp phần tích cực tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4, vào ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật BHYT và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 và ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày BHYT Việt Nam (theo Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009). Nội dung của Luật BHYT đã cơ bản khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế để từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Đối tượng tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, các đối tượng: Người nghèo; người có công với cách mạng; cán bộ xã, phường thị trấn; đại biểu hội đồng nhân dân; thân nhân của sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và sỹ quan Công an nhân dân; cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên; người lao động thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước không phân biệt số lượng lao động đều tham gia BHYT bắt buộc.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ, đối tượng và phạm vi bao phủ BHYT tăng nhanh và nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1993 mới chỉ có 3,79 triệu người tham gia BHYT thì đến năm 2005 số người tham gia BHYT đã lên tới 23,7 triệu người, chiếm 28% dân số; năm 2008 số người tham gia BHYT tự nguyện năm 2008 ước tính tăng hơn 2 lần so với năm 2003, tăng hơn 10 lần so với năm 1993. Đến cuối năm 2016 cả nước có khoảng gần 72 triệu người tham gia BHYT chiếm gần 79% dân số.

Trong quá trình vận động người dân tham gia BHYT, có thể thấy, khối học sinh sinh viên (HSSV) chiếm tỷ lệ lớn, nếu như không quan tâm nhóm đối tượng này thì việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT thật sự khó khăn,  trước đây nhóm đối tượng HSSV thuộc đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, công tác tuyên truyền phổ biến về chính sách BHYT cho phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng, nhận thức của một bộ phận không nhỏ HSSV và gia đình, cũng như nhà trường về BHYT chưa được sâu rộng, công tác KCB BHYT còn rườm rà về mặt thủ tục hành chính, dịch vụ KCB BHYT chưa được quan tâm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, trong thời gian ngắn đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, lãnh đạo nhà trường, giáo viên ….. từ tỷ lệ HSSV tham gia rất thấp đến nay tỷ lệ  HSSV tăng dần qua các năm. Đến tháng 10/2009, theo Luật BHYT sửa đổi HSSV được xếp vào nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, tại Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế - bộ Tài chính ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện BHYT, quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, cơ quan Bảo hiểm xã hội trong tổ chức thực hiện. Công tác y tế học đường đã được quan tâm và hoạt động có hiệu quả, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường được chú trọng và đi vào nề nếp, các trường đều có phòng y tế và tủ thuốc sơ cấp cứu đúng quy định, tạo sự yên tâm, tin tưởng của phụ huynh học sinh khi con em đến trường, mặc khác giáo dục nhận thức cho các em HSSV về ý thức chấp hành pháp luật, hơn thế nữa đó là tính nhân đạo, sự chia sẻ cộng đồng sâu sắc “lá lành đùm lá rách”,“một người vì mọi người” trong HSSV khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Luật BHYT sửa đổi cũng quy định BHYT hộ gia đình thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Tuy nhiên các quy định  thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho người dân tham gia dễ dàng hơn, so với quy định cũ, điều kiện tham gia khó khăn hơn như: Số hộ gia đình thuộc phường, xã đăng ký tham gia BHYT ít nhất phải đạt 10% dân số tham gia thì Đại lý mới tiến hành thu tiền, cấp thẻ theo quy định. Mặc khác công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, kịp thời nên đại bộ phận người dân chưa hiểu rõ về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT, nên người dân chưa tích cực tham gia.  Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, đặc biệt sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT tự nguyện nói riêng, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức, các Đại lý thu BHYT được đào tạo, mở rộng để người dân dễ dàng, thuận lợi khi tham gia, các thủ tục hành chính cũng được ngành Bảo hiểm xã hội cải cách, bỏ dần những thủ tục, giấy tờ không cần thiết. Công tác KCB cũng được ngành Y tế quan tâm, đổi mới về thái độ phục vụ, trang thiết bị, vật tư, y tế, thuốc đảm bảo về số lượng và chất lượng … tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ phía người bệnh khi họ tiếp cận các dịch vụ y tế. Chính vì vậy người dân đã tự nguyện tham gia. Tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 30/9/2017 có hơn 1,5 triệu người dân tham gia BHYT chiếm gần 82% dân số toàn tỉnh (trong đó số người tham gia BHYT bắt buộc gần 100.000 người chiếm 6.7%, số BHYT do ngân sách nhà nước đóng hoàn toàn hoặc một phần mức đóng chiếm 79,3%, riêng BHYT hộ gia đình có khoảng 209.514 người tham gia, chiếm gần 14%).  Nếu so sánh năm 1993 tại tỉnh Đắk Lắk số người tham gia BHYT bắt buộc trên 55.000 người,  năm 1995 là 80.000 người và năm 2002 hơn 200.000 người tham gia thì sau gần 25 năm chính sách BHYT ra đời trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1,5 triệu người tham gia  BHYT, có thể nói đây là sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT cho các địa phương đến 2020 phải đạt trên  90% dân số tham gia BHYT. Có thể nói đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong KCB cho nhân dân, chính vì vậy trong những năm qua Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức thực hiện, đặc biệt năm từ 2015 đến 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu thi đua cụ thể về tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng địa phương, đây là một tiêu chí thi đua, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị.

Có thể khẳng định, sau gần 25 năm phát triển, chính sách BHYT có những ưu, nhược điểm, những khó khăn vướng mắc đã dần được tháo gỡ, sửa đổi và hoàn thiện, mục tiêu chung của chính sách BHYT là công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân. Mặc dù chính sách BHYT có nhiều ưu việt, nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gần 18% người dân chưa tham gia BHYT, do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chính sách BHYT chưa đầy đủ, tính chia sẻ cộng đồng còn hạn chế,  nhiều doanh nghiệp, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc chính sách BHYT cho người lao động, tình trạng nợ đóng BHYT ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT còn chưa được đa dạng bằng nhiều hình thức để người dân khi tham gia BHYT họ hiểu rõ các quyền lợi mình được hưởng, nghĩa vụ mình phải thực hiện.

Để triển khai hiệu quả công tác phát triển đối tượng, nhằm tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần có chế tài đủ mạnh đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng BHYT, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trao đổi, cung cấp thông tin, số lượng về các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia BHYT, hướng đến mục đích nhân văn cao cả “BHYT toàn dân, chung tay vì sức khỏe cộng đồng”./.



Thanh Trà - PGĐ BHXH thành phố Buôn Ma Thuột