Truyền thông - Sự cần thiết khách quan trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN

22/11/2017 11:43 AM




Truyền thông - Nâng cao nhận thức của toàn xã hội

Truyền thông chính sách, pháp luật hiệu quả phải đảm bảo các yếu tố về nguồn phát, thông điệp, kênh truyền, đối tượng tiếp nhận thông tin, nắm bắt và xử lý đúng đắn thông tin phản hồi, đồng thời khắc phục các hiện tượng nhiễu, đảm bảo cho thông điệp đến đối tượng truyền thông một cách nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác nhất. Do đó, truyền thông có vai trò quan trọng đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách.

Sau Đại hội VI của Đảng, chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã có những bước đổi mới căn bản. Theo đó, tổ chức bộ máy thực thi hai chính sách này được thành lập và sát nhập, đáp ứng yêu cầu được giao trong tình hình mới. Những bước đổi mới, phát triển về chính sách, pháp luật gắn liền với sự ra đời, phát triển của tổ chức BHXH, BHYT đã đặt ra những yêu cầu cần thiết, cấp bách phải thực hiện truyền thông để cán bộ, nhân dân, nhất là đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT hiểu, biết, chấp hành.

Có thể nói, thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hết sức cần thiết. Nếu như không truyền thông sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội trong việc đưa chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN vào cuộc sống. Không những vậy truyền thông phải luôn đi trước một bước, để xóa đi những nhận thức sai lệch, phản động, phá hoại chính sách gieo vào nhận thức của người dân sẽ còn khó gấp vạn lần bởi “Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là ấn tượng được não bộ con người lưu giữ lâu nhất”. Truyền thông làm cho các đối tượng thụ hưởng hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật để tự giác chấp hành, hiểu về tính nhân văn sâu sắc vì mục tiêu an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT để từ đó họ biết đến vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH không vì mục đích kinh doanh, không vì lợi nhuận.. mà đôi lúc họ còn nhầm lẫn với các tổ chức kinh doanh BHXH khác. Bởi lẽ nếu hiểu biết sai lệnh như vậy sẽ dẫn đến sự công bằng và bình đẳng trong thực thi pháp luật BHXH, BHYT, BHTN sẽ không được thực hiện nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng, trục lợi diễn ra gay gắt hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Tận dụng các kênh truyền thông đa dạng

Khẳng định vai trò của công tác truyền thông

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện, đồng thời chú trọng tăng cường công tác truyền thông các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến mọi tầng lớp nhân dân. Sự ra đời của Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH” đã nêu rõ “Ban Tư tưởng - Văn hóa TW hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng về ý nghĩa của BHXH, động viên mọi người tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH”.

Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư TW Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” tiếp tục xác định vai trò to lớn của công tác tuyên truyền và yêu cầu “trong công tác tuyên truyền nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong tham gia BHYT, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành TW khóa XI về : một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” một lần nữa xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết về bảo đảm an sinh xã hội là bảo đảm thông tin cho mọi người dân; ngày 22/11/2012 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nghị quyết đó là “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách BHXH, BHYT”.

Như vậy, có thể thấy trong từng giai đoạn phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác truyền thông giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.. đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Tuy vậy, trong thời gian qua công tác truyền thông trong toàn ngành còn bộc lộ nhiều hạn chế, ở một số địa phương công tác truyền thông còn chưa đa dạng, chưa thường xuyên liên tục, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, việc tổ chức thực hiện chưa có tính chiến lược, đôi khi còn thụ động, lúng túng, xử lý tình huống sự vụ… công tác phối hợp trong hệ thống chưa thật sự chặt chẽ, thiếu dồng bộ, phương pháp thực hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, còn chi phối bởi các nghiệp vụ chuyên môn khác, đa số các tỉnh chưa thành lập phòng truyền thông, cán bộ truyền thông còn kiêm nhiệm….

Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đó, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-BCS ngày 14/8/2017 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới” với mục tiêu khắc phục những hạn chế, tồn tại, tổ chức hiệu quả công tác truyền thông, phát huy vai trò tích cực, chủ động, tập trung trí tuệ và sức mạnh của toàn ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN… bảo vệ thành quả, củng cố lòng tin, xây dựng uy tín, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, sự phát triển bền vững của ngành, tích cực góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế sâu rộng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong toàn ngành đối với công tác truyền thông BHXH, BHYT, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ truyền thông, sự dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư, chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận, tổ chức hiệu quả truyền thông xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả truyền thông của cơ quan báo chí, trang điện tử trong ngành, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của cán bộ, nhân dân.. góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội, để chính sách BHXH, BHYT xứng đáng là hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.



Nguyễn Thị Xuân- PGĐ BHXH tỉnh Đắk Lắk