Phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường

28/11/2017 10:23 AM



Theo thống kê, tỉ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, nhất là ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Có 3 loại tật khúc xạ mà các em HS hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất, chiếm tới 2/3 số ca mắc, chủ yếu tập trung ở các đô thị.

Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: Tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng vi tính không hợp lý…

Theo khuyến cáo của BSCKII.Lê Việt Sơn- Trưởng khoa Mắt (BV Bạch Mai), cần phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ một giờ phải nghỉ 10- 15 phút. Xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần và không nên ngồi quá gần. Nơi học tập cần đủ ánh sáng, bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe hoặc nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp với từng cấp học. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách có chữ quá nhỏ…

Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng cho mắt, ngủ đủ từ 8- 10 tiếng một ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt 6 tháng một lần… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội