Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội: Tạo nền tảng cho những bứt phá mới

09/01/2018 10:22 AM



Một trong những điểm nhấn đáng kể trong thực hiện chính sách BHXH năm 2017 phải kể đến là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH và các pháp luật khác liên quan, với việc ban hành khoảng 50 văn bản tham gia về việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật về BHXH và các pháp luật khác liên quan; xây dựng 10 báo cáo quan trọng phục vụ việc tổng kết thực tiễn như sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW củ Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH. Chỉ tính riêng về Luật BHXH năm 2014, BHXH Việt Nam đã tham gia xây dựng 03 Nghị định, 01 Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật BHXH năm 2014 như Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; rà soát các thủ tục hành chính đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam để cơ quan chức năng tổng hợp vào dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với đối tượng này; Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc. Trên cơ sở số liệu tổng hợp từ BHXH các tỉnh, thành phố, là cơ sở thực tiễn đóng góp ý kiến tham gia Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động là đảng viên mà tuổi trong lý lịch đảng viên không thống nhất với tuổi trong sổ BHXH ; đồng thời tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ đối với đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết vướng mắc trong vấn đề này. Tham gia với Bộ Y tế về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH, Luật BHYT thuộc lĩnh vực y tế. Chuẩn bị nội dung làm việc để ký kết và tham gia ý kiến vào biên bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc và BHXH Việt Nam; Tham gia ý kiến xây dựng Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Về Luật ATVSLĐ, BHXH Việt Nam đã tham gia ý kiến xây dựng Nghị định quy định về bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện và Thông tư hướng dẫn bảo hiểm TNLĐ-BNN bắt buộc. Về Đề án cải cách chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đã tham gia ý kiến xây dựng Đề án cải cách tiền lương, chính sách BHXH do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì gồm: Xây dựng báo cáo và cung cấp số liệu về tình hình thực hiện chính sách BHXH giai đoạn 1995-2016, dự báo đến năm 2030; Thực hiện 22 chuyên đề nghiên cứu thuộc Đề án, trong đó có 06 chuyên đề về thực hiện chính sách BHXH; Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn chuẩn bị báo cáo và các nội dung liên quan phục vụ hoạt động khảo sát về chính sách tiền lương, chính sách BHXH của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tham gia với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xây dựng Nghị định hướng dẫn cơ chế, chính sách, tài chính ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp và kinh doanh tại Lào, Campuchia; tham gia với Bộ Quốc Phòng xây dựng Nghị định về huy động nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông bổ sung cho lực lượng thông tin liên lạc thường trực của quân đội. Phối hợp với các Bộ, Ngành cử thành viên tham gia và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với các Đề án lớn như: Dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động”; Dự án “Hiện đại hóa BHXH Việt Nam”; Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến 2030”; Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách và các tổ chức quần chúng tự quản làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới”.

Song song việc tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về dự thảo báo cáo kết quả Hội thảo “Mở rộng diện bao phủ BHXH , kinh nghiệp quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”; BHXH Việt Nam chủ động nghiên cứu tham gia với Bộ LĐ-TB&XH dự thảo báo cáo Chính phủ về các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các địa phương trong tổ chức thực hiện các chế độ BHXH theo Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ và các quy định của Nhà nước mới ban hành: Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH; hướng dẫn tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH và điều chỉnh lương hưu đối với giáo viên mầm non; hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng theo Quy định tại Nghị định số 76/2017/NĐ-CP; hướng dẫn giải quyết chế độ ốm đau, thai sản trong thời gian truy đóng BHXH, BHTN theo Công văn số 3272/LĐ-TB&XH ngày 9/8/2017 của Bộ LĐ-TB&XH.

Trước tình hình trục lợi quỹ BHXH, BHTN ngày càng diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý về BHXH, BHTN; sửa đổi, bổ sung Quyết định 636/QĐ-BHXH và Quyết định 828/QĐ-BHXH trong giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo hướng liên thông với dữ liệu thu, sổ thẻ theo cơ sở dữ liệu tập trung, vừa phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, vừa góp phần ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi Quỹ.

Trên cơ sở kịp thời phát hiện và tổng hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về BHXH liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất hướng giải quyết với các Bộ, Ngành, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, tiêu biểu như: về xác định thời điểm nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; vướng mắc trong thực hiện chế độ TNLĐ đối với các trường hợp tham gia, cổ vũ các hoạt động phong trào, bị tai nạn giao thông trước thời điểm thực hiện Luật ATVSLĐ, không có biên bản khám nghiệm hiện trường; vướng mắc trong thực hiện các chế độ: ốm đau-thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, chế độ hưu trí, tử tuất; vướng mắc trong thực hiện chế độ hưu trí từ năm 2018 đối với lao động nữ,…

Năm 2017, mặc dù có nhiều công việc quan trọng phải triển khai nhưng BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố và BHXH lực lượng vũ trang tổ chức thực hiện tốt các chế độ BHXH, giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, thuận lợi, được người lao động, người sử dụng lao động và thân nhân của họ đồng tình. Ước cả năm 2017, toàn Ngành giải quyết cho 141.695 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.053 lượt người hưởng BHXH một lần; 9.164.685 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn một số khó khăn, vướng mắc cần lường trước để có tháo gỡ kịp thời khi thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018, có thể kể đến như: Hệ thống pháp luật về BHXH đang trong quá trình hoàn thiện, những vấn đề mới được quy định trong Luật BHXH 2014 áp dụng thực hiện từ ngày 01/01/2018 chưa tạo được sự đồng thuận cao của xã hội sẽ là khó khăn trong tổ chức thực hiện; Đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ATVSLĐ, Luật BHXH năm 2014 (Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ TNLĐ, BNN bắt buộc, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện đối với công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam) sẽ là những khó khăn rất lớn khi những quy định này chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018; Lương hưu của một số nhóm đối tượng còn thấp hơn mức tiền lương cơ sở, khoảng cách giữa người có mức lương hưu thấp nhất và cao nhất quá xa; một số chính sách ban hành sau hoặc bổ sung, sửa đổi thường mở rộng hơn quyền lợi dẫn đến có sự so sánh giữa người hưởng trước và người hưởng sau trong khi chính sách BHXH trải qua nhiều thời kỳ hết sức phức tạp nên khối lượng đơn thư phát sinh nhiều. Việc điều chỉnh tăng mức lương hưu các năm qua còn mang tính cào bằng phát sinh những bất cập mới cần được nghiên cứu xử lý sớm. Nguyên tắc đóng, hưởng đã quy định trong Luật BHXH nhưng khi thiết kế chế độ cụ thể thì chưa tuân thủ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn. Luật chưa có quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi như quy định có lộ trình đối với lao động nam đang là mối quan tâm của xã hội. Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hàng năm dẫn tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động trong dài hạn bị ảnh hưởng.

Trong năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện Đề án cải cách chính sách BHXH hướng tới mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH đã được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, BH hưu trí đa tầng; Tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động 2012 về những nội dung liên quan đến chính sách BHXH; Xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tham gia xây dựng Hiệp định và văn bản thỏa thuận thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và các nước về BHXH; Tham gia xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật BHXH 2014; Luật ATVSLĐ, Luật Việc làm và các chính sách có liên quan như: Thông báo số 13/TB-TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; điều chỉnh tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đã đóng BHXH; tổng hợp, đề xuất giải quyết vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện các chế độ BHXH, BHTN.../.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội