Cải thiện tầm vóc người Việt

03/03/2018 03:11 AM




Theo Bộ Y tế, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt (ngày 22/2/2012), đến nay vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt mức đã đặt ra. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao (chiếm 24,6% năm 2015) và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Suy dinh dưỡng ở trẻ em cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, kẽm, sắt) đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc người Việt.

Việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em chưa hợp lý

Các kết quả điều tra cho thấy, chiều cao của cả nam và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ thêm được 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ.

Ở chiều hướng ngược lại, tình trạng thừa cân- béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng cũng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực trung tâm các thành phố lớn. Những yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2015, tỉ lệ thừa cân- béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, đặc biệt tỉ lệ thừa cân- béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua (từ 3,7% lên 11,5%). Tỉ lệ này ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi (từ 11,6% lên 21,9%).

Hiện tại, nước ta có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ước tính Việt Nam hiện có tới 12 triệu người bị mắc tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh hô hấp mạn tính và mỗi năm có trên 125.000 ca được phát hiện mắc ung thư.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những vấn đề đáng lo ngại này, theo Bộ Y tế, đó là nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chỉ mới được tập trung cho công tác pḥòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nhiều vấn đề dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của người dân như chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình… chưa được chú trọng.

Đáng lo ngại, đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, bữa ăn học đường, bữa ăn ca cho NLĐ. Trong khi ở một số vùng, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, bữa ăn còn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng; thì tại các vùng đô thị, tình trạng ăn uống bất hợp lý đang trở lên phổ biến ở một số nhóm dân cư. Người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn. “Thay đổi lối sống và bữa ăn mất cân đối ở nhiều hộ gia đình làm gia tăng gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa cân- béo phì và các bệnh không lây nhiễm”- báo cáo của Bộ Y tế cho biết.

Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi từ 1,5-2cm so với năm 2010; tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5 cm so với năm 2010. Bộ Y tế khẳng định, để cải thiện chiều cao của người Việt Nam, thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Bên cạnh áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng khẩu phần ăn của người Việt như tăng cường vi chất vào thực phẩm, đẩy mạnh việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm thương mại trong nước và sản phẩm nhập khẩu... Bộ Y tế cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất, bổ sung chính sách về BHYT để chi trả dịch vụ tư vấn và điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Bổ sung chính sách về dinh dưỡng cho trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh chuyển hóa do di truyền và bệnh hiếm; quy định hoạt động của ngân hàng sữa mẹ; quy định về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực trong trường học. Đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia và các địa phương...

Theo đó, một số chương trình về dinh dưỡng sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới như: Chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; can thiệp dinh dưỡng cho những đối tượng có nguy cơ cao; triển khai các hoạt động dinh dưỡng hợp lý tại trường học; tuyên truyền cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.../.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội