Người dân được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

07/03/2018 09:10 AM




Nội dung này được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, kể từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần.

Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 10 năm đóng bảo hiểm xã hội.

(Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2017 là 700.000 đồng/người/tháng)

Hình thức hỗ trợ bằng cách hàng quý ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của cơ quan Bảo hiểm xã hội để chuyển tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, trên cơ sở mức hỗ trợ mà người dân được hưởng, và sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Giả sử một người thuộc hộ nghèo khi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức thu nhập tháng là 1.000.000 đồng, hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1.000.000 x 22% = 220.000 đồng, tổng số tiền đóng hằng năm là 2.640.000 đồng. Mức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là (tính theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2017) 700.000 x 30% x 22% x 12 tháng = 554.400 đồng, như vậy số tiền mà người tham gia phải đóng bảo hiểm xã hội hàng năm là : 2.640.000 – 554.400 = 2.085.600 đồng.

Tương tự, các trường hợp được hỗ trợ theo mức 25%, 10% cũng được giảm số tiền tương ứng. Tuy nhiên, khi đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức thu nhập tháng càng cao thì mức hưởng chế độ hưu trí sau này sẽ cao (mức thấp nhất bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở ), đảm bảo được cuộc sống khi vể già.

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng thay đổi phương thức đóng (đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, một năm, 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu…) nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được hưởng chế độ hưu trí. Khi đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên mà hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi) thì được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm và được nhận lương hưu ngay, do đó nếu mới đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu mà người lao động đã ở tuổi 50 đối với nam, 45 tuổi đối với nữ vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu theo quy định này.

Mục tiêu của chính sách bảo hiểm xã hội là an sinh xã hội, số tiền đóng bảo hiểm xã hội của người dân và số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ được dùng vào mục đích duy nhất là chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho chính người tham gia và thân nhân của họ. Để có lương hưu, ổn định cuộc sống khi không còn khả năng lao động, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mọi người dân từ 15 tuổi trở lên nên trích một phần thu nhập của mình như là một hình thức tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội. Để đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; hệ thống bưu điện từ tỉnh đến xã hoặc đăng ký tham gia tại Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố.

Tích góp một phần khi còn trẻ nhưng được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế và các phúc lợi xã hội khác khi về già, đây là một chính sách ưu việt, nhân văn của Nhà nước ta nhằm xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh./.

Trương Văn Bá
Phòng Thanh tra - Kiểm tra