Xây dựng phong cách tư duy cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo tấm gương Hồ Chí Minh

06/06/2018 08:14 AM


Muốn đánh giá đúng một con người, không phải chỉ căn cứ vào người đó nói và viết như thế nào, mà quan trong là phải xem cách người đó tư duy như thế nào. Không phải chỉ trong quan hệ với một người, một việc, mà với nhiều người, nhiều việc khác nhau. Tư tưởng và ý thức của cán bộ, đảng viên không phải là cái gì mơ hồ không sờ mó được. Nó tỏ rõ trong cách suy nghĩ, làm việc, trong cách xem xét và bàn bạc các vấn đề, trong hành động, ứng xử của ta. Nó đặc biệt tỏ rõ trong sự xem xét, bàn bạc, suy tư, hành động của ta đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ở cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, chúng ta đang chứng kiến thế giới thay đổi từng ngày, cuộc sống thay đổi từng giờ. Đối với đất nước ta, đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu và trải rộng ra nhiều mặt. Nhận thức của người dân thay đổi nhiều. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy theo tấm gương Hồ Chí Minh theo tinh thần khoa học, cách mạng, sáng tạo, đổi mới thì mới đáp ứng được thời cuộc.
Đổi mới tư duy là đặc tính của cách mạng, xu thế tất yếu của thế giới ngày nay. Đổi mới và đổi mới tư duy không có gì mới. Điều này đã được các bậc thầy về cách mạng đề cập từ sớm. Theo Lênin, “người cộng sản phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan vứt bỏ những nhận thức của ngày hôm qua không phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, phải biết “thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa”.
Thành công của Đảng ta khi bắt đầu bước vào đổi mới là thành công của đổi mới tư duy. Đảng ta nhấn mạnh rằng đổi mới tư duy “là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là xu thế tất yếu của thời đại”. Nhận rõ đổi mới tư duy là quy luật nhất định, tất yếu của cách mạng, của công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định rằng chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Muốn thế, “phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta”.
Phong cách tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay trước hết đòi hỏi phải nhận thức sâu sắc rằng trong suy nghĩ và hành động, nói và làm, từ việc nhỏ đến việc lớn, hằng ngày, suốt đời phải giữ vững thái độ và lập trường vô sản; phải lấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xem xét các vấn đề, quy định phương châm, đường lối, kế hoạch và công việc cụ thể. Phải giữ vững lý tưởng cách mạng, niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ suy nghĩ đến hành động, tuyệt đối không được xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Là những người cách mạng chân chính, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta phải có phong cách nghĩ - tư duy theo lời dạy của Bác là “phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”.
Hồ Chí Minh thường phê bình một số cán bộ có kiểu tư duy rập khuôn, máy móc, làm việc như những cái máy, không có chính kiến, nhát gan, dễ bảo, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, theo gió bẻ buồm. Đó là loại cán bộ dao động, thiếu niềm tin, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc. Nói theo tư tưởng và tấm gương của Bác, phong cách tư duy của cán bộ, đảng viên hiện nay phải là những người “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Ngược lại, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan”, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ mắc nhiều chứng bệnh, Đảng ta gọi là biểu hiện suy thoái, trong đó có suy thoái về tư duy. Cái bệnh “ăn theo nói leo”, giữ lấy những thói quen xấu dai dẳng, hình như thấm sâu vào máu thịt một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Người trước nói thế nào, người sau nói lại như vậy; hàng chục năm trước suy nghĩ thế nào, bây giờ cũng vẫn tư duy như vậy, không cần biết nó có đúng lý không, có khoa học không? Bệnh này nhìn bên ngoài không thấy ảnh hưởng, tác hại xấu, nhưng bản chất của nó là hết sức nguy hiểm. Nó làm cho cán bộ, đảng viên tưởng cái gì cũng tốt, bằng lòng với cách tư duy ổn định, không cần phải thay đổi, mặc dầu những kiểu tư duy đó đem lại hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, khi có khuyết điểm, sai lầm ở một lĩnh vực nào đó, ta thường nói đến nguyên nhân “buông lỏng quản lý”. Đây là một cụm từ được nhiều người nói đến khi mổ xẻ khuyết điểm, thậm chí lãnh đạo các cấp cũng mặc nhiên thừa nhận là do “buông lỏng quản lý”. Phong cách tư duy không cần xem xét cụm từ đó đúng hay sai dẫn đến hậu quả lớn là không tìm được nguyên nhân đúng để khắc phục sai lầm, khuyết điểm. Thực chất khi có những sai lầm như ta thấy, không phải là do “buông lỏng quản lý”, vì trên thực tế làm gì có chuyện buông lỏng hay buông chặt, vì đã buông là rơi. Vì vậy, nguyên nhân ở đây phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật là buông rơi quản lý, thực chất là không quản lý. Phong cách tư duy mập mờ kiểu “buông lỏng quản lý” rất nguy hiểm, làm người ta lầm tưởng có quản lý nhưng chưa chặt chẽ lắm. Những chuyện “cát tặc”, “lâm tặc”, “thực phẩm tặc”, “cà phê tặc”, v.v.. thực chất là do không quản lý, hay quản lý móc ngoặc với “tặc”. Nếu chúng ta có phong cách tư duy đúng, khoa học như vậy thì sẽ tìm ra nguyên nhân của các sai phạm để sửa chữa.
Công cuộc đổi mới trên đường thắng lợi còn nhiều gian nan, lắm chông gai. Một trong những cản lực, trở lực trên con đường đổi mới, phát triển của đất nước là tư duy cũ kỹ, lạc hậu, theo lối mòn, không cần, không biết phân tích tư duy đó đúng hay sai. Chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Trong những điều cũ kỹ Hồ Chí Minh nói tới, có sự cũ kỹ về tư duy. Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Làm việc trong bối cảnh, tình hình hiện nay, phải có sáng kiến, động não, luôn luôn đổi mới tư duy, nếu không sẽ tụt hậu.
Tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh là mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước nhân dân. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ xấu xa, lạc hậu, lỗi thời; những cái cũ đã đúng một thời nhưng nay không phù hợp. Tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan, trả lời được những câu hỏi của thực tiễn đặt ra. Cái mới đó không hoàn toàn phủ định những giá trị của cái cũ, vượt lên cái cũ, bổ sung thêm những giá trị mới. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh về đổi mới, sáng tạo: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Phải xem xét những khái niệm cũ và sáng tạo ra những khái niệm mới là tư duy rất cần thiết hiện nay.
Tư duy phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, địa phương, ngành mình, phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể. Đồng thời phải mở rộng tư duy, nghiên cứu mọi tư tưởng, học thuyết. Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh nghiên cứu sâu học thuyết Khổng Tử, đạo Thiên chúa, Phật giáo, Lão giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, chủ nghĩa Găngdi, tiếp cận tư tưởng của các nhà khai sáng và cách mạng tư sản Tây Âu, đặc biệt là học thuyết Mác-Lênin. Nghiên cứu nhiều tư tưởng, học thuyết để có sự so sánh, đối chiếu, sàng lọc, tìm ra cái đúng, cái hay, phù hợp với dân tộc tộc và thời đại. Cách tư duy đó đem lại nội dung khoa học và cách mạng trong quá trình hình thành tư tưởng. Hiện nay, cán bộ, đảng viên phải chú trọng hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức phong phú và sâu rộng. Một đường lối, chính sách đúng chỉ có thể có được khi xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, tôn trọng quy luật khách quan, đáp ứng được khát vọng của lòng dân và phù hợp với xu thế của thời đại. Chỉ có mở rộng tầm nhìn ra thế giới “có cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy” thì mới làm giàu được trí tuệ cho mình.
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đồng nghĩa với một bản lĩnh vững vàng, một dũng khí dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo” trên cơ sở nhân cách và tài năng, tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động, quan điểm của mình không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi chính kiến với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc và Đảng. Tư duy đó tạo cho mỗi cán bộ có bản sắc riêng, chính kiến riêng, xa lạ với những kiểu tư duy xơ cứng, giáo điều.
Tư duy của cán bộ làm công việc BHXH trước hết phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, ngành mình và những ngành có liên quan, đồng thời phải có tầm nhìn ra thế giới học những điều hay của họ thì mới có được những giải pháp có tính đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra. Một trong điều quan trọng nhất là phải biết học dân, hỏi dân và hiểu dân. Nhân dân nhiều tai nhiều mắt, cái gì họ cũng nghe cũng thấy. Họ trí tuệ và sáng tạo. Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên ngành BHXH hãy cố gắng học, “đọc” suy nghĩ của dân để làm giàu cho suy nghĩ của mình. Nhân dân, khách hàng là một trong những cứ liệu thực tiễn quan trọng nhất cùng với di sản của những người đi trước cũng như những thành tựu của quan điểm, chính sách đương thời để mỗi cán bộ, đảng viên ngành BHXH xác định tư tưởng của chính mình. Có được một phong cách tư duy khoa học, cách mạng như vậy, chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công việc./
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội