Thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

06/06/2018 08:26 AM




70 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước vẫn hiển hiện sinh động trong thực tiễn, đặc biệt là sự gắn kết giữa nội dung các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

1. Thi đua ái quốc một cách thiết thực, thường xuyên, toàn diện

Tháng 9/1945, trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính của chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”, “Sẻ cơm nhường áo”... Ngày 26/1/1946, Người ra Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng và 10 điều phạt -  văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách khen thưởng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL đặt ba loại Huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh và Độc lập (ngày 6/6) và ký ban hành Sắc lệnh số 83-SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch (ngày 17/9). Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Sang năm 1948, Người đã ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp (ngày 1/6) và ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6).

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua là để: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”[1]. Theo Người, muốn đạt mục đích trước mắt, muốn đồng thời diệt được cả 3 thứ giặc đó để mỗi người dân đủ ăn, đủ mặc, biết đọc, biết viết, có đầy đủ lương thực và khí giới đánh thắng giặc ngoại xâm, tiến tới đạt được mục đích lâu dài thì cách làm là “dựa vào: Lực lượng của dân,Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[2] và thế là chúng ta sẽ thực hiện: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”[3]. Ngắn gọn, súc tích và bao quát, Lời kêu gọi thi đua ái quốc thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước… Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ và nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua”[4]. Nên là, mỗi người, dù là ai, công nhân, nông dân hay trí thức, chiến sĩ ở tiền tuyến hay đồng bào ở hậu phương, nếu có lòng yêu nước, sẽ đều nhận thức được rằng: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc”[5]. Do đó, thi đua yêu nước phải vừa cụ thể, thiết thực, vừa toàn diện, lâu dài để gây hạnh phúc cho dân. Đó là mục đích lớn nhất, cao cả nhất của thi đua yêu nước và Người mong các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, công nông, trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội và dân quân “ai cũng thi đua” để phong trào ngày càng phát triển sôi nổi, góp phần dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Để phong trào thi đua ái quốc duy trì thường xuyên, liên tục, rộng khắp và bài bản, theo Hồ Chí Minh “phải có phương hướng đúng và vững”; “phải có kế hoạch tỉ mỉ”, “phải có sự lãnh đạo đúng. Trước lúc thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thực hiện đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”[6], “phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào”...  Tùy theo tình hình thực tế của đất nước, tùy từng giai đoạn lịch sử cụ thể mà đề ra yêu cầu, mục đích khác nhau, song nội dung thi đua yêu nước phải luôn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, với rèn luyện đạo đức cách mạng,v.v..  Người cũng nhấn mạnh: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”[7] và “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết, chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua”[8]. Thi đua yêu nước là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hàng ngày của mỗi người, do đó đã trở thành hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, sự hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thi đua yêu nước cũng gắn liền với tự phê bình và phê bình, vì tự phê bình và phê bình sẽ giúp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong quá trình tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, không chỉ góp phần động viên mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi địa phương tập trung tinh thần và lực lượng thi đua, đoàn kết nội bộ, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, mà còn cổ vũ mọi người nỗ lực tu dưỡng đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói, thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để mỗi người khi tham gia phong trào thi đua nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng đất nước; đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ sự nỗ lực phấn đấu trong từng công việc hàng ngày, mỗi người tự chiến thắng những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong mình như quan liêu, tham ô, lãng phí, xa hoa… Do đó, thi đua không chỉ giúp “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” mà còn sẽ giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi. Càng khó khăn, thử thách, càng cần tổ chức nhiều phong trào thi đua, với các hình thức phong phú, để thông qua đó mỗi người tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nói về bản chất của thi đua, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “thi đua không phải là ganh đua” mà đó là nơi để mỗi người đều có thể tìm tòi, phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm và cùng tiến bộ. Thi đua, theo quan điểm của Hồ Chí Minh phải phong phú, đa dạng, toàn diện và thường xuyên nhằm qua phong trào gom góp sáng kiến, rút ra kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm; để không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người. Do đó, khẩu hiệu thi đua yêu nước là: “Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[9].

Tài liệu gốc, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Khẳng định Thi đua là yêu nước và yêu nước thì phải thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thông qua phong trào thi đua yêu nước, bồi đắp và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm, kiên cường bất khuất, sáng tạo trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa, thuỷ chung, nhân ái, khoan dung trong mỗi người dân đất Việt. Thi đua là hoạt động tích cực và sáng tạo, là sự phấn đấu không ngừng của các cá nhân, tập thể, do đó: mỗi người “yêu nước thì phải thi đua. Tư tưởng yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”[10]; “phải sửa đổi ít nhiều trong công việc thi đua, làm cho phong trào thi đua sâu hơn và thiết thực hơn nữa” và “mọi người và mọi cơ quan cứ theo đà ấy, cố gắng thi đua, tẩy bỏ những khuyết điểm còn sót lại, phát triển những ưu điểm đã sẵn có”, để “chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới. Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới”, thiết thực đưa cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia; tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; thi đua phải gắn liền với việc lựa chọn, xây dựng gương điển hình và khen thưởng, vì khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng và việc lựa chọn, bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ sẽ giúp cho việc khen thưởng được chính xác, động viên được mọi người cùng nỗ lực thi đua. Các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời, thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, để thi đua yêu nước thực sự là ngày hội của quần chúng và các phong trào quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, Người còn thường xuyên quan tâm, theo dõi sự phát triển của phong trào và chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương người tốt, việc tốt. Thi đua yêu nước theo tư tưởng của Người vừa thiết thực, dễ hiểu, dễ đi sâu vào cuộc sống, lại vừa sâu sắc, toàn diện và hệ thống nên có sức quy tụ và hấp dẫn lớn. Nâng thi đua lên một tầm cao mới, gắn thi đua với yêu nước, với đoàn kết và cải tạo con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thổi vào phong trào thi đua một sức mạnh mới; lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, đồng thời, lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua. Qua đó, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức đoàn kết, phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, đem hết tài năng trí tuệ và sức lực phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
2. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo lời Bác
Phát huy kết quả phong trào thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”… khi miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, khi cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước đã bước sang một giai đoạn mới với những nội dung mới.
Phong trào thi đua yêu nước phát triển nhanh rộng, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”…; với các điển hình “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang” … Từ trong mưa bom, bão đạn, phong trào thi đua: “5 dứt điểm” trong y tế; “Hai tốt” trong giáo dục, “5 xung phong” trong thanh niên,  phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của văn nghệ, “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” trong lực lượng vũ trang nhân dân, “Ba xây ba chống”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Ba nhất”, “Ba quyết tâm”, “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”… của quân dân miền Bắc, các phong trào thi đua “Bám đất giữ làng”, “Một tất không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Quyết thắng giặc Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”… cũng phát triển rộng khắp miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ,
cứu nước lần thứ 4 (12/1966)
Cùng với những thành tựu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, những chiến công của những dũng sỹ diệt Mỹ, anh hùng quân giải phóng của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”… đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển sâu rộng trên cả nước. Khát vọng thống nhất non sông hoà quyện, thống nhất với ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù, làm cho các phong trào thi đua của quân dân hai miền Nam - Bắc nở rộ biết bao tấm gương anh hùng, chiến sĩ thi đua. Cùng với thắng lợi trên chiến trường, sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục duy trì với tinh thần mới. Các phong trào thi đua: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Vì an ninh của Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”,v.v.. phát triển rộng khắp, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy ở từng lĩnh vực khác nhau, có các phong trào thi đua yêu nước với những tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động khác nhau, được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử, song mục tiêu chung nhất của phong trào thi đua yêu nước vẫn là phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi người dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới, vận dụng và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước - một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 39-CT/TW “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Sau đó, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg “Về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày Thi đua yêu nước”. Tùy vào tình hình và nhiệm vụ của mỗi giai đoạn, các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, nối tiếp nhau của các ngành, các giới từ Trung ương đến địa phương đã ngày một lan nhanh, tỏa rộng trong thực tiễn. Hơn bao giờ hết, từ việc hiểu rõ rằng “thi đua thì cải tạo con người”, việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo được tính hợp lý giữa thi đua và khen thưởng, gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã thiết thực góp phần phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi tổ chức và cá nhân, để “trong khi xây cái mới, chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta và học tập gương tốt của nhân dân các nước anh em” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Đẩy mạnh thi đua yêu nước, đặc biệt là bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và chủ đề thi đua giai đoạn 2016 - 2020 “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong những năm qua, ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các phong trào thi đua yêu nước đã nở rộ. Các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”  trong nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong phụ nữ; “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”,“Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” trong đoàn viên, thanh niên; “Thi đua quyết thắng” trong quân đội; “Vì an ninh Tổ quốc”, “Cựu chiến binh gương mẫu” trong cựu chiến binh; “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong cán bộ, công chức; “Thi đua dạy tốt, học tốt” trong ngành giáo dục và các phong trào thi đua: “Dân vận khéo; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, chống các tệ nạn xã hội”; “Xoá đói giảm nghèo”; “Lá lành đùm lá rách”; “Xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” … đã và đang lan rộng trong thực tiễn, tạo sự chuyển biến sâu sắc, đem lại hiệu quả thiết thực cho phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng giới, huy động mọi nguồn lực xã hội góp sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Các phong trào thi đua yêu nước hiện nay đang tiếp tục tạo ra động lực tinh thần quý báu, nhân nguồn sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và là yếu tố quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”, “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”[11] và “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”[12],v.v.. tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính tất yếu của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của mỗi tổ chức và cá nhân khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; trong đó, chú trọng gắn thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Phát huy vai trò xung kích của các đợt thi đua đột kích, ngắn hạn, thiết thực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả và có chiều sâu của các phong trào, nhất là các phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, ban, ngành...
Ba là, kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở; các gương người tốt, việc, tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Trong tổ chức, thực hiện, cần lồng ghép, gắn các phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí; chống chủ nghĩa hình thức, chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng; gắn khen thưởng nghiêm minh với xử phạt kịp thời, đúng người, đúng việc.
Bốn là, liên kết, tạo sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thi đua - khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát về thi đua - khen thưởng, đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công bằng trong thi đua - khen thưởng; đồng thời, cần đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách và có cơ chế đầu tư thỏa đáng cho công tác này, đảm bảo thi đua - khen thưởng đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.5, tr.556
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, t.5, tr.556
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.557
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.495
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.170
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.146
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.485
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.146
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.407
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.188
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.108
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.169
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương