Chế độ ốm đau: Góp phần chia sẻ rủi ro với người lao động

10/08/2018 10:05 AM




Có thể nói, ở bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào, rủi ro luôn rình rập, đe doạ cuộc sống của mỗi người, gây gánh nặng cho cộng đồng và xã hội. Rủi ro phát sinh hoàn toàn ngẫu nhiên, bất ngờ, không lường trước được, nhưng xét trên bình diện xã hội, rủi ro là một tất yếu không thể tránh được. Rất nhiều năm làm công tác tuyên truyền, gặp gỡ, đối thoại với hàng ngàn NLĐ đang tham gia BHXH, họ luôn mang một tâm tư đó là lo lắng, hoang mang. NLĐ không biết lựa chọn như thế nào khi người thân của họ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo (bệnh dài ngày) như các loại ung thư, suy thận…Khi đó họ thật sự suy sụp về mặt tinh thần và trong trạng thái như vậy, họ có thể lựa chọn không chính xác.

Thông qua bài viết này tôi muốn chuyển tải những thông tin về chế độ ốm đau, đặc biệt là ốm đau dài ngày theo quy định của Luật BHXH, đó là một trong những quyền lợi mà NLĐ khi tham gia BHXH có quyền được hưởng. Nếu như NLĐ chưa được chủ doanh nghiệp đóng BHXH cho mình thì hãy tự đấu tranh hoặc thông qua các tổ chức như: Liên đoàn lao động, Sở Lao động Thương binh & Xã hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê đến hết năm 2017, có khoảng 7,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau và 320 lượt người hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tính theo tỷ lệ, cứ 100 người tham gia BHXH thì có 50 lượt người hưởng chế độ ốm đau. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính đến hết năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng trên 12.000 lượt người hưởng chế độ ốm đau với trên 80.000 lượt ngày điều trị (trong đó ốm đau dài ngày gần 1.000 lượt người với trên 15.000 lượt ngày điều trị). Nếu như NLĐ không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thì đây là gánh nặng về kinh tế cho gia đình.

Người dân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đắk Lắk

Để phòng ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực của rủi ro đối với mỗi cá nhân, NLĐ cần thiết phải tham gia BHXH, BHYT và đương nhiên đây là quy định của Luật mà NLĐ và chủ doanh nghiệp phải tuân thủ, đó là NLĐ và chủ doanh nghiệp phải trích một khoản phí nộp vào quỹ BHXH, BHYT. Khi NLĐ gặp rủi ro, tai nạn như: Ốm đau, tai nạn lao động sẽ làm cho chi phí gia đình tăng lên hoặc phải ngừng làm việc tạm thời. Thu nhập của gia đình giảm, đời sống kinh tế lâm vào tình cảnh khó khăn, túng quẫn. Nhờ có chế độ ốm đau mà họ được nhận một khoản tiền trợ cấp bù đắp lại phần thu nhập bị mất hoặc bị giảm để đảm bảo ổn định thu nhập, ổn định đời sống. Ngoài ra khi ốm đau (từ 14 ngày trở lên) NLĐ được quỹ BHXH cấp thẻ BHYT, quan trọng hơn mặc dù không tham gia lao động, không đóng BHXH, BHYT (tuy nhiên thời gian không đóng BHXH không được ghi nhận thời gian tham gia BHXH) nhưng NLĐ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH, được cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau trên cơ sở hồ sơ hợp lệ, thông qua người sử dụng lao động, nếu NLĐ bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc, có con dưới bảy tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Theo đó, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau: Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; đối với ốm đau bình thường và chăm sóc con ốm: Mức trợ cấp được xác định bằng cách lấy 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong khoảng thời gian được nghỉ theo quy định.

NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc; Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn: mức hưởng bằng 45% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; bằng 55% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng  từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; bằng 65% mức tiền lương, tiền công nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật  BHXH mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm. Mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra NLĐ khi ốm đau từ 14 ngày trở lên được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và được hưởng 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh, nhất là mắc bệnh hiểm nghèo.

Chia sẻ bên lề Hội nghị quốc tế về kiểm soát ung thư mới diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.000 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến: Vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP năm 2012.

Cũng kết quả điều tra trong năm 2012 cho thấy, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau một năm phát hiện bệnh. Như vậy, rõ ràng khi NLĐ bị bệnh hiểm nghèo không nên xin thôi việc mà hãy tiếp tục ở lại cơ quan doanh nghiệp để được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH. Có thể nói tính nhân văn, nhân đạo, cộng đồng chia sẻ trong chính sách BHXH mà không phải tổ chức bảo hiểm thương mại khác có thể có được.

Như trường hợp ông Nguyễn Minh Đen, Phường 5, thành phố Cà Mau là một ví dụ: Trên đường đi công tác về chẳng may bị té chấn thương ở chân. Người nhà đưa ông đi điều trị ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 tháng với chi phí gần 100 triệu đồng, nhưng gia đình ông chỉ chi trả gần 20 triệu đồng. Nếu ông Đen không tham gia BHYT thì đây là gánh nặng kinh tế cho gia đình (Nguồn: Theo Báo Nhân Dân).

Ngoài việc đảm bảo đời sống kinh tế, trợ cấp ốm đau còn tạo được tâm lý an tâm, tin tưởng. Khi đã tham gia BHXH, BHYT là góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc. NLĐ tham gia BHXH, BHYT là bảo vệ quyền lợi cho chính mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NLĐ, để họ ổn định cuộc sống, yên tâm hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn, toàn tâm toàn ý tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất cho doanh nghiệp. Đồng thời Luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng được hình sự trong Bộ Luật hình sự về việc trốn đóng, chậm đóng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT… Mối quan hệ này thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, BHYT.

Xét về mặt nhân văn, BHXH, BHYT thể hiện chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp, tạo cho những người bất hạnh có thêm điều kiện, lực đẩy cần thiết để khắc phục những biến cố xã hội, hoà nhập vào cộng đồng, kích thích tính tích cực của xã hội trong mỗi con người, giúp họ hướng tới những chuẩn mực của chân - thiện - mỹ, nhờ đó có thể chống lại tư tưởng “Đèn nhà ai nhà ấy sáng”. BHXH, BHYT là yếu tố tạo nên sự hoà đồng mọi người, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, chủng tộc, vị thế xã hội, đồng thời giúp mọi người hướng tới một xã hội nhân ái, cuộc sống công bằng, bình yên, thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tương thân tương ái của cộng đồng.

Đối với các doanh nghiệp, khi những NLĐ không may gặp rủi ro thì được chuyển giao cho cơ quan BHXH chi trả. Nhờ vậy tình hình tài chính của các doanh nghiệp ổn định hơn./.



Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh