Một số giải pháp tăng tỷ lệ đơn vị và hồ sơ giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

16/10/2018 07:54 AM




Thời gian qua, các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh Đắk Lắk, BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai việc giao dịch điện tử về thủ tục, hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các đơn vị, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính, mang lại sự thuận tiện cho đơn vị và người tham gia. Tuy nhiên tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử trong toàn tỉnh còn thấp, chiếm khoảng 10% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, có 2.050/4.040 đơn vị (đạt tỷ lệ 51%) phát sinh giao dịch điện tử. Hồ sơ giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHTN gần như không phát sinh, các đơn vị tham gia chỉ giao dịch điện tử một vài lần rồi chuyển sang giao dịch hồ sơ giấy, không đạt yêu cầu do Ngành đề ra. Nguyên nhân do việc vận động tuyên truyền còn hạn chế, phần mềm giao dịch điện tử chưa tích hợp được các chỉ tiêu đưa ra, chưa đáp ứng được các nghiệp vụ phát sinh về BHXH, BHYT, chưa có tính ổn định, cơ sở vật chất và đường truyền mạng Internet tại các đơn vị không đảm bảo (máy tính cũ, mạng kém chất lượng…), có đơn vị không có mạng internet; việc ứng dụng giao dịch điện tử mới và các thao tác nghiệp vụ chậm; cán bộ làm công tác BHXH thường xuyên thay đổi; đơn vị phải bỏ tiền ra mua chữ ký số nhưng phần mềm không đa dạng, không phục vụ được nhiều tiêu chí nên việc triển khai đến các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện BHXH Việt Nam ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ

Để đẩy nhanh tỷ lệ đơn vị và hồ sơ giao dịch điện tử theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành, thời gian tới BHXH tỉnh Đắk Lắk tập trung một số giải pháp sau:

1. Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực kê khai thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi việc triển khai giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

3. Rà soát lại số đơn vị tham gia chưa thực hiện việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN giao cán bộ chuyên quản tuyên truyền, triển khai hướng dẫn các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử. Đối với các đơn vị có số người tham gia lớn, khuyến khích sử dụng phần mềm của các đơn vị cung cấp dịch vụ IVAN: VNPT, Viettel... (cán bộ chuyên quản liên lạc với các đơn vị cung cấp dịch vụ IVAN cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các đơn vị) để đăng ký giao dịch điện tử, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện phần mềm để đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực BHXH. Những đơn vị có số người tham gia ít, hướng dẫn sử dụng phần mềm giao dịch điện tử miễn phí của Ngành (KBHXH).

4. Cán bộ được giao nhiệm vụ giải quyết hồ sơ điện tử của đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý trên phần mềm nghiệp vụ, tránh để hồ sơ quá hạn gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia, nắm vững phần mềm KBHXH, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc cho đơn vị.

5. Đối với những hồ sơ giao dịch điện tử không hợp lệ, cán bộ giải quyết hồ sơ cần ghi rõ nội dung từ chối giải quyết, nội dung hướng dẫn bổ sung, trực tiếp liên hệ với đơn vị hướng dẫn nộp lại hồ sơ hợp lệ để giải quyết kịp thời.

6. Đối với các đơn vị đã đăng ký giao dịch điện tử nhưng vẫn nộp hồ sơ giấy, cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn tiếp nhận giải quyết nhưng nhắc nhở, động viên đơn vị nộp hồ sơ qua hình thức giao dịch điện tử.

Để hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao năm 2018 và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19/CP-TW của Chính Phủ, BHXH tỉnh Đắk Lắk quyết tâm phấn đấu hết năm 2018 cơ bản 100% các đơn vị tham gia giao dịch hồ sơ điện tử với cơ quan BHXH./.



Huỳnh Kim Tưởng – Phòng Quản lý thu