Quyền lợi bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên

09/09/2020 03:30 PM


Nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, sinh viên - nguồn lực tương lai của đất nước, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong việc tham gia bảo hiểm y tế, như hỗ trợ 70% mức đóng đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo; 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên khác...

Tham gia bảo hiểm y tế, học sinh sẽ được hỗ trợ 30% mức đóng. Ảnh: B.D

* Về đối tượng tham gia: Theo Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2010, học sinh, sinh viên trở thành đối tượng bắt buộc. Theo đó, đối tượng tham gia là những học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo trừ trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng khác (thẻ ưu tiên).

* Về mức đóng: Bằng 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm đóng nhân với số tháng đóng bảo hiểm y tế, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên đóng 70%.

Mức đóng hằng tháng, cụ thể như sau: Mức lương cơ sở hiện hành: (1.490.000đ/tháng) x 4,5% = 67.050 đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng: 67.050đ x 30% = 20.115 đồng. Học sinh, sinh viên đóng 70%: 67.050đ x 70% = 46.935 đồng.

* Về phương thức đóng: Cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng một lần nộp vào quỹ bảo hiểm y tế. Cơ sở giáo dục chỉ thực hiện thu phí bảo hiểm y tế 1 lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời hạn ghi trên thẻ tương ứng với số tiền nộp vào quỹ bảo hiểm y tế.

* Về thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế:

- Đối với trẻ 0-6 tuổi: Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

- Đối với học sinh lớp 1: Học sinh đủ 6 tuổi và sinh trước ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày 1/10 của năm đó; sinh sau ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày 1 của tháng sau tháng sinh nhật.

- Đối với học sinh lớp 12: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.

- Đối với học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ từ năm lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. Học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

* Về quyền lợi, học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế:

+ Được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội.

+ Được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu mỗi quý.

+ Được chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định.

+ Được chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng.

+ Được cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về bảo hiểm y tế.

+ Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.

* Về mức hưởng:

+ Khi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục, học sinh, sinh viên được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh khi thẻ bảo hiểm y tế có mã quyền lợi là 4.

+ Khi khám chữa bệnh không đúng tuyến (không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu/không có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định/không trong tình trạng cấp cứu) được hưởng như sau:

- Ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

- Nội trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng 100%; bệnh viện tuyến tỉnh mức hưởng 60%; bệnh viện tuyến trung ương mức hưởng là 40%.

+ Trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh tại nơi khám chữa bệnh ban đầu được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh

- Khám chữa bệnh ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tương đương 223.500 đồng.

- Khám chữa bệnh nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tương đương: 745.000 đồng.

+ Trường hợp học sinh, sinh viên khám chữa bệnh tại cơ sở không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng tối đa mức lương cơ sở: 0,15 lần tương đương đương 223.500 đồng.

- Khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến huyện mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 0,5 lần, tương đương 745.000 đồng; bệnh viện tuyến tỉnh mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 1,0 lần, tương đương 1.490.000 đồng; bệnh viện tuyến trung ương mức hưởng tối đa mức lương cơ sở 2,5 lần tương đương 3.725.000 đồng.

+ Trường hợp cấp cứu: Được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng giấy tờ tùy thân có ảnh, trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định.

+ Khi học sinh, sinh viên đi khám, chữa bệnh đúng quy định (Cấp cứu hoặc được chuyển tuyến) thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ 1/7/2019 là: 8.940.000đ) (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến).

* Thủ tục khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:

- Học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng cùng với chứng minh nhân thân có ảnh. Đồng thời, xuất trình thêm Giấy hẹn nếu thẻ bảo hiểm y tế đang được chờ cấp lại hoặc đổi thẻ; Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh./.

Theo Báo Lao động thủ đô