Các phong trào thi đua của ngành BHXH Việt Nam ngày càng đi vào thực chất

14/10/2020 09:10 PM


Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT- hai trụ cột an sinh quan trọng của đất nước, trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã quán triệt tinh thần phục vụ trong toàn Ngành. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Ngành cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, việc các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào thực chất, đã trở thành động lực lớn giúp Ngành đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xây dựng các phong trào thi đua sát thực tiễn

Báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ V (2020-2025), vừa diễn ra chiều nay (14/10), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, với sự nỗ lực của toàn Ngành, đặc biệt là động lực từ các phong trào thi đua sát với thực tiễn, hàng năm BHXH Việt Nam đều thực hiện vượt chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và ổn định an sinh đất nước. Theo đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT phải hướng tới các đối tượng như chủ SDLĐ, NLĐ và toàn thể nhân dân- là những đối tượng thường xuyên bị tác động ảnh hưởng bởi sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn trình bày Báo cáo tại Đại hội

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn 2016-2020, BHXH Việt Nam đã ban hành gần 200 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong toàn Ngành. Theo đó, 100% đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai hưởng ứng 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, gồm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”; “DN Việt Nam hội nhập và phát triển” “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được phát động như: Ủng hộ tặng thẻ BHYT, xây nhà tình nghĩa, xây dựng nông thôn mới, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Qua đó, vừa góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, vừa tạo dựng hình ảnh đội ngũ CCVC, NLĐ ngành BHXH gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp...

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW và phát động 2 phong trào thi đua theo giai đoạn; 5 phong trào thi đua thường xuyên hàng năm và 10 phong trào thi đua chuyên đề phù hợp nhiệm vụ chính trị được giao. Các phong trào thi đua đã tạo không khí sổi nổi trong toàn Ngành; các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu thi đua đã đề ra của từng phong trào. Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm đều tăng vượt so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đáng chú ý, ngành BHXH là một trong các đơn vị đi đầu trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ…

8 nội dung, 4 giải pháp

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng BHXH Việt Nam đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2021-2025 với 8 nội dung chủ yếu. Cụ thể:

Tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, Chỉ thị số 18/CT-TTg. Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng; các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW… liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua giai đoạn đến năm 2020 do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã phát động. Gắn phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khối, cụm thi đua; các đơn vị thi đua trong ngành BHXH.

Bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cải cách TTHC có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; ứng dụng CNTT công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Thực hiện chấm điểm thi đua, đánh giá, xếp loại thi đua theo đúng quy định đảm bảo khách quan, công bằng và hiệu quả; tham mưu xây dựng hoàn thiện quy chế xét công nhận sáng kiến, quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH và quy chế thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam; xây dựng cơ chế đánh giá, xếp loại mực độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân thông qua Bộ chỉ số thiết thực, gắn với phân phối tiền lương, thu nhập.

Nâng cao chất lượng khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật. Chú trọng khen thưởng các cá nhân là người trực tiếp lao động và các cá nhân có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm hạt nhân, nòng cốt trong các phong trào.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CCVC, NLĐ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Để thực hiện 8 nội dung này, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng BHXH Việt Nam cũng lưu ý 4 giải pháp cần triển khai thực hiện, đó là:

Thứ nhất, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể có sự phối hợp đồng bộ trong việc phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt chất lượng, hiệu quả. Gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo đánh giá thực hiện phong trào thi đua, năng lực, chất lượng cán bộ, đảng viên, làm cơ sở để xét khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ.

Thứ hai, cần khuyến khích các tập thể, cá nhân phát huy sáng tạo, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo về ứng dụng các cải tiến, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng gắn với kết quả đánh giá CCVC.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đơn vị và cá nhân cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng để thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác này, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị từng năm, từng thời kỳ.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác theo dõi, đánh giá kết quả tham gia và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đối với các tập thể, cá nhân, gương người tốt-việc tốt; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đơn vị để xem xét biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Nhóm PV

Giai đoạn 2015-2020, toàn Ngành đã có 706 tập thể được tặng Cờ Thi đua của BHXH Việt Nam; 133 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua ngành BHXH; 9.031 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen và hơn 900 tập thể, cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam... Ngoài ra, còn có 1.521 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH; đồng thời khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề cho nhiều tập thể, cá nhân.

Ở cấp nhà nước, ngành BHXH có 1 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập; 119 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 17 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công; 288 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 54 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; 5 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội Việt Nam