BH thất nghiệp- “Bảo bối” thời dịch Covid-19

11/11/2020 08:49 PM


Bài 1 Chỗ dựa vững chắc của NLĐ

Chính sách BH thất nghiệp được thực hiện từ tháng 1/2009, đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi bị mất việc làm, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính sách này đã mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho NLĐ và người SDLĐ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Kịp thời giúp NLĐ ổn định cuộc sống

Có mặt tại Trung tâm DVVL Hà Nội vào những ngày cuối tháng 3/2020, mới thấy dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh đến tình hình kinh tế-xã hội như thế nào, nhất là khi số NLĐ đến đây làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp tăng cao so với bình thường.

Ngồi chờ đến lượt mình, chị Lê Thị Hà (Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, trước đây chị làm việc tại một công ty tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, do đơn hàng khan hiếm nên công ty lâm vào khó khăn, phải cho công nhân nghỉ chờ việc. “Tiền thưởng Tết không nhiều nên chúng tôi không được dư giả chi tiêu, trong khi chưa tìm được công việc phù hợp. Giờ tôi nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp và trông chờ vào khoản trợ cấp này để đợi qua đợt dịch…”- chị Hà bộc bạch.

Ở bàn bên cạnh, anh Nguyễn Đình Lương (Mai Dịch, Cầu Giấy), nhân viên kỹ thuật một hãng kinh doanh xe máy cũng đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo anh Lương, 3 tháng đầu năm nay, do lượng khách sụt giảm nên công ty rơi vào khủng hoảng. Chủ công ty phải vận động nhân viên chủ chốt giảm 30% lương, riêng nhân viên trực tiếp (sale, thợ sửa chữa, chăm sóc khách hàng) nghỉ chờ việc luân phiên. “Giờ tôi chỉ biết trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp và cố gắng tìm cơ hội cho riêng mình”- anh Lương chia sẻ.

Trước đây, anh Nguyễn Thanh Trụ (quận Nam Từ Liêm) làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch tại Hải Phòng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công ty sắp xếp lại nhân sự, nên anh đã xin nghỉ việc và đến Trung tâm DVVL Hà Nội để làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp với mong muốn hằng tháng có một khoản tiền để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. “Số tiền này rất kịp thời, có ích và cần thiết với gia đình chúng tôi. Hơn nữa, tôi còn được cán bộ Trung tâm DVVL tư vấn, giới thiệu việc làm. Đây là sự hỗ trợ quan trọng, giúp tôi sớm tìm được việc mới để ổn định cuộc sống”- anh Trụ bày tỏ.

Chia sẻ về những lợi ích của NLĐ khi thu hưởng chính sách BH thất nghiệp, ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết: “Đầu năm là khoảng thời gian NLĐ đến làm thủ tục giải quyết chế độ BH thất nghiệp cao nhất trong năm. Đặc biệt, năm nay dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn đối với những DN vận tải, lữ hành, dịch vụ… nên có nhiều người làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp”.

Cũng theo ông Thành, khi tham gia BH thất nghiệp, hằng tháng NLĐ chỉ đóng 1% tiền lương, tiền công, nhưng khi nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công của tháng- theo 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. “Chính sách BH thất nghiệp đã góp phần tích cực trong việc giải quyết an sinh xã hội. Khi tham gia BH thất nghiệp, nếu NLĐ mất việc làm, không chỉ được trợ cấp một khoản kinh phí để trang trải cho cuộc sống, mà còn được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ thông tin việc làm miễn phí để sớm trở lại thị trường lao động”- ông Thành phân tích.

DN lao đao, NLĐ bị ảnh hưởng

Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, nếu như tháng 1/2020, cả nước chỉ có 29.849 người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, thì đến tháng 2/2020 đã tăng lên 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của việc gia tăng này, theo Bộ LĐ-TB&XH, là do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 nên số lượng hồ sơ hưởng BH thất nghiệp tháng 2 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến DN tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, cũng khiến số NLĐ thất nghiệp tăng cao.

Thống kê nhanh tại một số tỉnh, thành cho thấy tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp, với quy mô lớn. Tại TP.HCM, trong tháng 2/2020 có 9.872 NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, tăng 80,67% so với tháng 1 và tăng 57,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đầu tuần tháng 3, có tới 2.643 NLĐ làm trong 1.957 DN nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp. Điều dễ thấy, NLĐ thất nghiệp chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân. Tại tỉnh Bình Dương, trong tháng 2/2020 có 3.835 NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, tăng 22,2% so với tháng 1 và tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019…

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 10% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất trong tháng 2/2020. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt vào tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt, với khoảng trên 15% trong tổng số DN. Các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu NLĐ đang làm việc. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ, dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.0000 NLĐ đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20-40% tùy từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Do vậy, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thì nguy cơ hàng ngàn NLĐ thuộc ngành này sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới.

“Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 NLĐ đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các DN này gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các DN thỏa thuận với NLĐ cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để NLĐ có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh”- đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội