Tập trung giải quyết các lĩnh vực liên quan đến BHXH

16/11/2020 05:20 PM


Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đối với Thanh tra Bộ tại Lễ Kỷ niệm 75 năm truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam.

 Báo cáo hoạt động Thanh tra những năm qua, ông Nguyễn Tiến Tùng- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã có sự lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả các nguồn lực. Triển khai thanh tra một số nội dung chưa từng được thực hiện trước đây và bước đầu đã thu được kết quả khả quan: Thanh tra các quy định của pháp luật lao động về bình đẳng giới, về nuôi con nuôi, về giảm nghèo, về quyền trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, về ATVSLĐ tại khu vực phi chính thức, về giáo dục nghề nghiệp...

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới chao đảo, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, cuộc sống của người dân lao đao, nhất là đối tượng người nghèo. Thanh tra Bộ đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, dồn toàn lực triển khai thanh tra chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Thanh tra viên đã đến từng hộ dân để xác minh, đảm bảo các khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách đến tận tay của người thực sự cần, không để cho một bộ phận cán bộ suy thoái tư lợi, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. “Trong 5 năm gần đây, toàn ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện 36.031 cuộc thanh tra, ban hành 211.781 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 5.896 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 172 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 492,8 tỷ đồng”- ông Tùng cho biết.

Công tác thanh tra việc thực hiện chính sách NCC có nhiều chuyển biến, đây cũng là một trong các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của Ngành, 2 nội dung được tập trung thanh tra, xử lý dứt điểm: Rà soát toàn bộ hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập, thanh tra toàn bộ các hồ sơ đối tượng hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Kiểm tra 66.014 hồ sơ thương binh (bản gốc) đang lưu giữ tại 7 Quân khu; qua xác minh, đã xác định 2.895 trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu đối tượng nộp trả NSNN số tiền trên 287,9 tỷ đồng. 145.908 hồ sơ đối tượng hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đã được thanh kiểm tra, phát hiện 6.258 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ, đình chỉ trợ cấp hoặc điều chỉnh giảm mức trợ cấp do Hội đồng Giám định y khoa kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể, không đúng bệnh thuộc danh mục quy định, kiến nghị thu hồi nộp NSNN gần 293,189 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, ngành Thanh tra đã có nhiều thành tích và luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo kỷ cương, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng chính sách đối với con người trong việc xây dựng chính sách rất khó để tìm được sự hài lòng cho tất cả mọi người. Trước những khó khăn đó, ngành luôn giữ được truyền thống đoàn kết, tiên phong và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả chặng đường vừa qua, nhất là những năm gần đây. Có thể nói rằng, thanh tra Bộ đóng góp rất tích cực, chủ động và hiệu quả trong việc tham mưu cho bộ giải quyết những vướng mắc còn tồn tại. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, lực lượng thanh tra đã góp phần ngăn chặn nhiều tiêu cực trong lĩnh vực thực hiện chính sách NCC, chương trình giảm nghèo bền vững, trong việc thực hiện những chính sách dành cho NLĐ. “Bên cạnh những nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, lực lượng thanh tra ngành LĐ-TB&XH cần tập trung vào 3 lĩnh vực. Cụ thể, rà soát toàn bộ 320000 hồ sơ chất độc hoá học và hoàn thành trong năm 2021; tập trung giải quyết các lĩnh vực liên quan đến BHXH (vấn đề nhức nhối với 270.000 DN trốn đóng, nợ đóng và trục lợi BHXH, các vấn đề hưu trí, tử tuất, BH thất nghiệp…) và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trẻ em trong bối cảnh tình hình bạo lực và xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng trong xã hội”- ông Dung yêu cầu.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội