Nhiều kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW
19/12/2020 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại TP.Cần Thơ, ngày 18/12, Ban Tuyên giáo Trung ương và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công tác tuyên truyền sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách BHXH.
Ông Phan Xuân Thủy- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo, BHXH, Sở Y tế, Sở GD-ĐT… một số tỉnh thành phía Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên cả nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Trong lĩnh vực BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, đến năm 2019, cả nước có gần 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng kết quả của 10 năm trước đó cộng lại. Năm 2020, dự tính số người tham gia BHXH sẽ gần 1,2 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, có thể nói đây là kết quả rất đáng khích lệ. Về BHXH bắt buộc, năm 2020 số người tham gia BHXH bắt buộc nhìn chung vẫn giữ được đà tăng trưởng và cao hơn một chút so với năm 2019. Về BHYT, hiện tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 90% dân số; đến 31/12/2020, dự đoán sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và BHXH Việt Nam nhận định, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong kết quả thực hiện BHXH, BHYT hiện nay. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tổ chức trên 300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo… về chính sách BHXH, BHYT với sự tham gia của trên 53.000 lượt người tham dự. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện đăng tải, phát sóng trên 23.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH.
Đối với nội bộ Ngành, BHXH Việt Nam đã ban hành chương trình hành động để triển khai Nghị quyết trên toàn Ngành. Thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, 100% BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW tại địa phương. BHXH các địa phương kịp thời tham mưu tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các địa phương và kiến nghị để HÐND các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức hơn 39.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại trực tiếp, hội thảo, tuyên truyền nhóm nhỏ, với trên 2,4 triệu lượt người tham dự... Công tác tuyên truyền được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất trong cả nước đã xây dựng củng cố, góp phần bồi đắp niềm tin của người dân vào đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách ASXH nói chung và lĩnh vực BHXH, BHYT nói riêng.
Tại các tỉnh, thành, Ban Tuyên giáo địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH, BHYT. Ở TP.Cần Thơ, Thành ủy ban hành Chương trình hành động về tiếp tục thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Ðảng UBND thành phố, các ngành có liên quan tham mưu Thành ủy tổ chức hội nghị quán triệt và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên Thành phố. Từ đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức học tập, tuyên truyền rộng rãi BHXH, BHYT. Kết quả đến giữa tháng 12/2020, TP.Cần Thơ có 127.679 người tham gia BHXH bắt buộc; 15.316 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.079.180 người tham gia BHYT…
Tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hoài- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn đã tổ chức 10 cuộc đối thoại doanh nghiệp với 3.250 doanh nghiệp tham dự; tổ chức 480 hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện với hơn 52.000 người tham dự… Theo bà Hoài, mặc dù việc tuyên truyền phổ biến chính sách được thực hiện sâu rộng nhưng vẫn còn khó khăn là tình trạng vi phạm về BHXH, BHYT còn phổ biến. Vì vậy, Ban Tuyên giáo TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét sắp tới sửa Luật BHXH sẽ theo hướng giao cho BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra toàn diện về lĩnh vực BHXH, BHYT. Về BHXH tự nguyện, đề nghị tăng mức hỗ trợ; tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ cho người hưởng BHXH tự nguyện so với hiện nay để bao phủ rộng hơn người tham gia…
Bà Đinh Thị Mai- Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định, việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW đạt nhiều kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục. Cụ thể, một số cấp ủy địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền BHXH, chưa có chiến lược tuyên truyền dài hạn; một số nơi còn coi việc tuyên truyền này là nhiệm vụ riêng của Ngành BHXH hoặc ngành Tuyên giáo. Vì vậy, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành, đặc biệt là Ban Tuyên giáo với cơ quan BHXH các cấp, đoàn thể chính trị- xã hội, cơ quan báo chí. Cần chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, đảm bảo tính phong phú, đa dạng phù hợp với đối tượng… Bên cạnh đó, thường xuyên khảo sát, đánh giá công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết tại các địa phương nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo ông Thủy, trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần đi sâu phân tích, làm rõ vai trò vị trí của công tác tuyên truyền; vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; vai trò tham mưu của ban tuyên giáo, BHXH địa phương. Cần phát huy vai trò phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và cơ quan BHXH, cũng như các cấp, ngành. Công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT cần được thực hiện thường xuyên và có chiến lược lâu dài. Cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; biểu dương và khen thưởng kịp thời các gương điển hình thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cũng như phê phán các trường hợp vi phạm.
“Ban tuyên giáo các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH cùng cấp tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền cần phải trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn và đi vào thực chất, tiến hành thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu, không chạy theo phong trào. Bên cạnh đó, phải lưu ý không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ BHXH, BHYT thì mới thu hút người tham gia bền vững. Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, cần phải xem đây là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị chứ không phải là trách nhiệm chỉ của riêng Ban Tuyên giáo hoặc cơ quan BHXH”, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số