Phát huy vai trò người có uy tín trong thực hiện chính sách
21/12/2020 02:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với đây, Ủy ban Dân tộc đã giao Vụ Ðịa phương I phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Ban Dân tộc và BHXH tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại về chính sách pháp luật BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh. Thời gian qua, những hội nghị tuyên truyền tương tự cũng đã được phối hợp tổ chức tại nhiều địa phương, như Lạng Sơn, Nghệ An...
Tại những hội nghị này, người có uy tín tại các địa phương đã được nghe giới thiệu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; một số nội dung Luật BHXH, Luật BHYT và các chính sách có liên quan trực tiếp tới đồng bào DTTS như BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình..., nhất là những điểm mới, tiến bộ, có tính chất khuyến khích tạo thuận lợi cho người tham gia các chính sách này.
Có thể thấy, không phải không có lý do, khi công tác phối hợp giữa ngành BHXH Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đặt trọng tâm vào hoạt động tuyên truyền chính sách đến những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thực tế, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta đã có những bước phát triển vững chắc. Với gần 16 triệu người tham gia BHXH, tương đương khoảng 32% lực lượng lao động; gần 90% số dân có thẻ BHYT..., BHXH, BHYT đã trở thành những trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Riêng với đồng bào DTTS, từ nhiều năm nay, những người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, ở các xã đảo, huyện đảo đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Với sự hỗ trợ này, tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT luôn đạt cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe cho họ được thực hiện tốt hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, so với mục tiêu BHYT toàn dân, đến nay vẫn còn một bộ phận nhỏ người DTTS không thuộc diện được cấp thẻ, hỗ trợ BHYT chưa tham gia chính sách này. Trong khi đó, với chính sách BHXH, tỷ lệ người DTTS tham gia BHXH, kể cả BHXH tự nguyện còn thấp. Vì lẽ đó, đây là nhóm đối tượng còn nhiều dư địa để mở rộng BHXH, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đang được ngành BHXH hướng tới để tập trung tuyên truyền, vận động, qua đó thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Mặc dù vậy, so với các nhóm đối tượng khác, việc vận động người DTTS tham gia BHXH, BHYT cũng gặp không ít khó khăn. Về kinh tế - xã hội, dù đã có những bước chuyển tích cực nhưng vùng DTTS và miền núi vẫn đang là "lõi nghèo" của cả nước; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tuổi thọ bình quân thấp hơn bình quân chung của cả nước... Bên cạnh đó, dù công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách pháp luật đã được chú trọng đẩy mạnh, nhưng nhận thức của một bộ phận lớn bà con về vai trò, mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, cùng với việc triển khai những biện pháp hỗ trợ theo chính sách chung của Ðảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền chính sách đến đồng bào DTTS là đặc biệt quan trọng.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện trên cả nước có hơn 33 nghìn người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ðây là lực lượng quần chúng có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào DTTS trong phạm vi nhất định, được cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng. Bởi vậy, việc tuyên truyền để đội ngũ người có uy tín nắm vững chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có thể coi như "xây" những nhịp cầu nối để đưa các chính sách nhân văn này đi vào cuộc sống vùng đồng bào DTTS, từ đó góp phần chăm lo đời sống nhân dân nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng.
Báo Nhân dân
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số