Khi niềm tin gia tăng

02/01/2021 07:41 PM


Đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến… là những ưu tiên hàng đầu mà BHXH Việt Nam đang triển khai. Điều đó đã gia tăng niềm tin của người dân, NLĐ, các tổ chức, DN đối với cơ quan BHXH. Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với Kỳ An sinh xã hội về vấn đề này.

* PV: Ngành BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT theo quy định pháp luật… Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi Ngành phải tăng cường cải cách TTHC và ứng dụng CNTT. Ông nhận định thế nào về những thành tựu của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Phải khẳng định rằng, quá trình CCHC và ứng dụng CNTT đã giúp ngành BHXH Việt Nam xứng đáng là ngành đi đầu trong khối các cơ quan Trung ương. Đến nay, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt các dịch vụ công trực tuyến.

Đầu tiên, phải đánh giá cao BHXH Việt Nam đã cấp sổ BHXH đến trực tiếp cho NLĐ; có hệ thống CNTT theo dõi toàn bộ bệnh nhân KCB BHYT trên toàn quốc. Hàng ngày, trên hệ thống của BHXH Việt Nam đều biết được những người tham gia BHYT đi KCB ở đâu, chi phí như thế nào… Qua đó cho thấy, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT giúp đảm bảo công khai, minh bạch và quan trọng nhất tránh được trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Đồng thời, tạo cơ chế, cách thức để NLĐ, DN không bị vướng mắc về thời gian; thời gian giải quyết các thủ tục về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT được thực hiện rất nhanh.

Chính việc cải cách TTHC và ứng dụng CNTT đã giúp rất nhiều TTHC được rút gọn, giảm được thời gian giao dịch giữa DN với cơ quan BHXH và giữa NLĐ với cơ quan BHXH; đồng thời tạo ra năng suất lao động cao hơn. Vấn đề đáng quan tâm nữa, đó là việc cải cách TTHC và ứng dụng hiệu quả CNTT giúp đảm bảo công khai, minh bạch, trách được tình trạng lạm dụng quỹ… Đây là những việc làm rất thiết thực, làm gia tăng thêm niềm tin của người dân đối với cơ quan BHXH cũng như với chính sách của Đảng và Nhà nước.

* Những thành quả của BHXH Việt Nam đã được Chính phủ, cộng đồng DN và người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, trước áp lực rất lớn từ nhiệm vụ được giao, theo ông, BHXH Việt Nam sẽ phải tiếp tục tiến trình cải cách TTHC và ứng dụng CNTT như thế nào?

- So với yêu cầu đề ra, đến nay BHXH Việt Nam đã có bước tiến dài và nhận được sự hài lòng của người dân, NLĐ và cộng đồng DN. Phải nói rằng, đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của BHXH Việt Nam.

 

Việc ứng dụng CNTT giúp BHXH Việt Nam giám sát thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Tôi cho rằng, đạt được kết quả trên là quyết tâm chính trị mà toàn ngành BHXH Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực và thực hiện theo đúng tinh thần Luật BHXH năm 2014 và Luật BHYT sửa đổi. Điều đó giúp BHXH Việt Nam tiết kiệm được thời gian giải quyết các thủ tục và tăng cường công tác thanh kiểm tra, qua đó giúp DN, người dân chấp hành chính sách tốt hơn…

Bên cạnh cải cách TTHC, BHXH Việt Nam còn thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến, mang lại lợi ích cho cả cơ quan BHXH và người tham gia BHXH, BHYT. Nếu làm tốt CNTT, người dân hoàn toàn không phải đến cơ quan BHXH, mà vẫn đóng được tiền vào quỹ BHXH và NLĐ cũng không phải đến Trung tâm DVVL để nhận quyết định hưởng trợ cấp, nhận tiền trợ cấp thất nghiệp… Sau này, chúng ta cũng cố gắng để NLĐ không cần phải đến cơ quan BHXH hoặc người dân dễ dàng dựa trên nền tảng công nghệ được ứng dụng trên smatphone để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và theo dõi quá trình tham gia của mình… Đối với BHYT, người dân hoàn toàn có thể đóng, xem xét các chứng từ điện tử để thấy được mình phải tự chi trả bao nhiêu, được quỹ BHYT chi trả bao nhiêu tiền chi phí KCB BHYT, chi trả cho các dịch vụ gì…

* Thông qua giám sát hằng năm, ông đánh giá thế nào việc cải cách TTHC và ứng dụng CNTT tại các vùng miền, địa phương trong toàn quốc?

- Theo tôi, CNTT hiện đã bao phủ toàn quốc. Miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể khó khăn hơn do cơ sở dữ liệu, hạ tầng về CNTT, nhưng tôi tin hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, chúng ta phải kết hợp cả hiện đại và truyền thống: Nơi nào CNTT tốt thực hiện theo cách thức công nghệ, còn nơi nào chưa tốt sẽ thực hiện thông qua đại lý (chính quyền xã, đoàn thể và cơ quan Bưu điện) hoặc BHXH Việt Nam làm trực tiếp với người dân. Nơi nào có mạng sẽ thực hiện trên môi trường mạng một cách tốt nhất. Phải linh hoạt, công khai, minh bạch thì người dân mới biết mình được đóng BHXH tự nguyện như thế nào, mức đóng, mức hưởng, tỷ lệ kết dư quỹ như thế nào, đầu tư tăng trưởng quỹ ra sao...

Mặc dù vậy, với các địa phương miền núi- nơi có điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông và công nghệ còn nhiều khó khăn, cần phải có phương pháp ưu tiên và phải giải quyết được bài toán nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT. Người dân có thể không hiểu nên mới chưa tích cực tham gia BHXH, BHYT… Đây là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm.

Hằng năm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội được giao trọng trách giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH; 2 năm một lần thực hiện giám sát quỹ BHYT. Theo đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm việc thực hiện chính sách ở vùng miền núi nên thấy rằng, tất cả cái gì có lợi, tốt cho người dân thì ngành BHXH Việt Nam đều đã làm.

* Để đạt kết quả tốt hơn nữa trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, theo ông, ngành BHXH Việt Nam cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể như thế nào?

- Trong chi phí quản lý của BHXH Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định có một phần tỷ trọng đầu tư cho CNTT, cơ sở hạ tầng và đầu tư cho công tác tuyên truyền giáo dục; một phần đầu tư cho hệ thống kết nối CNTT. Đầu tư CNTT được xác định là trách nhiệm mà BHXH Việt Nam phải quan tâm thực hiện. Chúng ta phải đảm bảo sự công bằng, đồng đều giữa các vùng miền, chứ không chỉ ưu tiên phát triển vùng đồng bằng, đô thị vốn đã tốt mà thiếu đi sự quan tâm đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Qua giám sát, chúng tôi đều đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm đến miền núi để miền xuôi, miền ngược được đảm bảo như nhau. Đây là vấn đề khó, nhưng phải đảm bảo để người dân được hưởng an sinh, bởi mục tiêu của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Dù BHXH luôn đi đầu trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, nhưng theo tôi, toàn Ngành cần phải cố gắng hơn nữa, nhất là tiếp tục quan tâm đến vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tạp chí BHXH