Hướng tới bao phủ BHXH toàn dân: Cần sáng tạo những cách làm mới

08/01/2021 08:35 PM


Trong năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ, song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nên số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp đôi so với năm 2019 và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải có những giải pháp dài hơn và bền vững.

Tăng trưởng ấn tượng

Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008, nhằm tạo cơ hội cho NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Tuy nhiên, sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó nêu rõ định hướng thực hiện BHXH toàn dân. Ngày 3/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-TW giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho UBND các tỉnh, thành phố- coi đó là chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hướng dẫn người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Ðể phát triển BHXH tự nguyện, bên cạnh những thuận lợi của chính sách, BHXH Việt Nam cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, với quyết tâm đưa Nghị quyết số 28 vào cuộc sống. Theo đó, đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện cải cách TTHC, ứng dụng CNTT để tạo thuận lợi cho người tham gia và hưởng chính sách. Ðổi mới, tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên môi trường mạng xã hội, khuyến khích mỗi CCVC trong toàn Ngành là một tuyên truyền viên để giới thiệu, vận động người dân tham gia... Ðặc biệt, tháng 5 hằng năm đã được chọn là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là cơ hội tốt để BHXH Việt Nam và các ngành liên quan tập trung tuyên truyền, vận động người dân.

Với những giải pháp trên, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2016, cả nước có hơn 203.000 người tham gia; năm 2017 có hơn 224.000 người tham gia; năm 2018- khi Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí đóng, cả nước đã có hơn 277.000 người tham gia. Năm 2019, cùng với hỗ trợ của Nhà nước và những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện, số người tham gia đã tăng vượt bậc với hơn 574.000 người - bằng cả 11 năm trước cộng lại.

Năm 2020, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trên tinh thần vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch. Kết quả, trong năm 2020, cả nước có 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện- tăng gấp đôi so với năm 2019 và đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao…

Cần giải pháp dài hơi

Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 về đích trước 2 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, song tỷ lệ tham gia vẫn còn rất thấp, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia mới chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia. Cụ thể, năm 2018 cả nước chỉ có 2.930 người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo và gần 4.400 người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Năm 2019 con số tương ứng mới là 6.500 người và 9.700 người.

Theo đánh giá của các chuyên gia an sinh xã hội, hiện không ít người dân vẫn chưa hiểu đầy đủ về BHXH tự nguyện. Do đó, khi nói về quyền lợi được hưởng, họ thường so sánh với BHXH bắt buộc (có 5 chế độ) và cho rằng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất là ít. Nhiều người chưa hiểu rõ, để được hưởng 5 chế độ thì người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng tiền cho 5 chế độ; còn hưởng 2 chế độ như BHXH tự nguyện là vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Trong khi đó, nếu đóng cả 5 chế độ thì nhiều NLĐ tự do, người có hoàn cảnh khó khăn… sẽ khó lo được.

Mặt khác, nhiều người cũng nghĩ bỏ tiền ra đóng BHXH tự nguyện đến lúc hưởng sẽ không hấp dẫn, không bằng việc gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Điều này có thể chứng minh chỉ với một phép tính đơn giản. Cụ thể: Nếu người dân đóng BHXH tự nguyện 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hằng tháng (tương ứng với 154.000 đồng) thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng- lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hằng tháng là 154.000 đồng... Bên cạnh đó, số tiền lương hưu còn được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT và được hưởng quyền lợi KCB khi cần thiết. Như vậy, có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia.

Nghị quyết số 28-NQ/TW được xác định là kim chỉ Nam cho mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài, để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi NLĐ. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH qua việc đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền. Đồng thời, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu cách làm mới để tiếp tục duy trì, tăng nhanh tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện; thay đổi thói quen của người dân từ tự tiết kiệm, tích trữ phòng lúc khó khăn sang đóng góp vào hệ thống BHXH để đảm bảo cho cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách TTHC. Chuyển đổi tác phong, nâng cao chất lượng phục vụ để người dân thêm tin tưởng ngành BHXH Việt Nam; đồng thời gia tăng niềm tin vào chính sách. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa, qua đó khuyến khích nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội