“Điểm tựa” an toàn
12/02/2021 11:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ “trách nhiệm” sang “quyền” được tham gia BHXH, chủ động lựa chọn bước vào vòng bao phủ BHXH để chuẩn bị cho mình cuộc sống an vui khi tuổi già... Sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân là trái ngọt của những người thực hiện chính sách sau hàng thập kỷ bền bỉ “gieo mầm” an sinh...
Đột phá về nhận thức
Năm 2020, giữa “bão” COVID-19, ngành BHXH Việt Nam vẫn gặt hái thành công lớn trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Tính đến hết năm 2020, cả nước đã có gần 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 494.000 người so với năm 2019, bằng tổng số người vận động được của 11 năm trước cộng lại. Số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu được Đảng và Chính phủ giao (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 đạt 1%)…
Có thể nói, thành công trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất đặc biệt. Với số DN phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, giải thể tăng cao, việc phát triển nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, việc tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của người dân, vào mong muốn của nhóm lao động yếu thế (thu nhập thấp, không ổn định, làm việc trong khu vực phi chính thức...). Đáng nói, nhóm lao động yếu thế cũng là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, khi cơ hội việc làm bị thu hẹp, thu nhập giảm sút... Tuy nhiên, càng trong khó khăn, càng nhìn rõ nguy cơ đe dọa tương lai của mình, họ lại càng nhận thức sâu sắc hơn việc cần có một điểm tựa an toàn, và lựa chọn chính sách BHXH được coi là tối ưu và an toàn nhất.
Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008, tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau hơn 10 năm triển khai, từng bị “hờ hững”, từng rất khó khăn để thuyết phục người dân, nhưng từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng thực hiện “BHXH toàn dân”, chính sách này đã có sự bứt phá ngoạn mục. Tính riêng năm 2020- quãng thời gian khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia có sự thụt lùi trong phát triển kinh tế-xã hội thì số người tham gia BHXH tự nguyện tại Việt Nam lại tăng nhanh gần gấp đôi so với năm 2019…
Nguy cơ đói nghèo nếu không có BHXH
Sự thay đổi trong nhận thức của người dân về chính sách BHXH không chỉ thể hiện qua con số thống kê của BHXH Việt Nam, mà còn được định lượng trong khảo sát khách quan và phân tích khoa học của các tổ chức trong nước và quốc tế có uy tín. Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019- được công bố tháng 4/2020 đã chỉ rõ “việc không có BHXH là nhân tố dẫn tới sự gia tăng quan ngại về đói nghèo của những người tham gia khảo sát”. Đây là mối lo ngại suốt từ năm 2016 đến nay, bất chấp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 năm 2018-2019 đạt mức 7%- mức cao nhất liên tục trong thập niên qua. “Rất có thể những người không có lương hưu từ BHXH quan ngại hơn về mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập hiện có”- TS.Paul Schuler - thành viên nhóm nghiên cứu, phân tích.
Kết quả một số khảo sát chỉ tiêu thành phần khác của PAPI cũng chỉ ra tầm quan trọng của BHXH đối với tâm lý người dân. Theo đó, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng bi quan hơn các nhóm khác, khi ngày càng nhiều hộ gia đình nông nghiệp đánh giá điều kiện kinh tế gia đình mình ở mức “kém”, “rất kém”. Trong khi đó, kết quả PAPI 2019 cho thấy, đa số những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không tham gia BHXH, có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào.
“Đây là lý do quan trọng khiến những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại họ bị rơi vào nghèo đói trong tương lai. Những “biến số” của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh, thiên tai tác động trực tiếp đến đời sống đã khiến nhiều người phải nhìn nhận lại các nguy cơ đe dọa kinh tế gia đình”- Báo cáo của PAPI nhận định.
“BHXH có vai trò bảo vệ cho NLĐ khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã khiến tỷ lệ người mất việc làm, sụt giảm thu nhập nhiều hơn. Đó là lý do có tới 27% người không có BHXH tham gia khảo sát cho rằng đói nghèo là quan ngại hàng đầu, trong khi chỉ 18% số người thuộc nhóm có BHXH chung nhận định này”- TS.Paul Schuler nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, việc không có BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam xảy ra thiên tai, hoặc đại dịch nào đó, những quan ngại tương lai của mình sẽ ra sao khi mất việc làm, đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng Nhà nước giải quyết vấn đề này nhất.
Có thể nói, phát hiện này cho thấy mối quan ngại về đói nghèo không chỉ bị tác động bởi mức thu nhập mà còn bởi cảm giác an tâm khi có BHXH cho tương lai. Theo nhóm nghiên cứu, nhận định này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong khảo sát PAPI 2020- sẽ được công bố trong năm 2021, đặc biệt là khi “lao động và việc làm” tiếp tục nằm trong nhóm các vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới. Và, những quan ngại này cũng đã gia tăng trong năm 2020, khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số