Nỗ lực không ngừng, thành quả ấn tượng

13/02/2021 01:49 PM


Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020, cũng là năm đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn thách thức, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội ghi nhận.

Bà Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: 

Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã về đích trước thời hạn

Trong các giai đoạn phát triển của đất nước, hệ thống chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ. Hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói chung và BHYT nói riêng đã dần đáp ứng, đảm bảo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

 

Trong 25 năm qua, với trọng trách được Quốc hội, Chính phủ giao, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh cho người dân, đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Mô hình tổ chức của BHXH Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo chủ trương của Đảng về cải cách, tinh gọn bộ máy. Công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.

Kết quả nổi bật là số người thụ hưởng BHXH, BHYT không ngừng tăng nhanh. Bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT. Việc chi trả chế độ BHXH, BHYT đã được thực hiện kịp thời, phương thức chi trả được đổi mới theo hướng phục vụ, bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Quỹ BHXH, BHYT ngày càng trở thành quỹ an sinh quan trọng, tỷ lệ chi từ nguồn quỹ BHXH ngày càng tăng, tỷ lệ chi từ NSNN cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước là khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách BHXH, BHYT đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trụ cột cũng như tính ưu việt trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Song, chính sách sẽ không đi vào thực tiễn nếu như không có quyết tâm chính trị cao, những hành động quyết liệt và giải pháp phù hợp, đặc biệt là nếu công tác truyền thông không tốt thì BHXH, BHYT không đến được với nhân dân. Từ đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân sẽ rất hạn chế. Do vậy, việc lựa chọn hình thức, phương pháp vận động, tuyên truyền luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT, đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, xem đây là tiêu chí quan trọng cần thực hiện.

Chúng tôi đánh giá cao kết quả BHXH Việt Nam đạt được sau 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi. Diện bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48% (từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người), hết năm 2019 đã có trên 85,6 triệu người tham gia BHYT và diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Năm 2020, đã có 87,93 triệu người tham gia BHYT và đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số- vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21. Trong khi để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, nhiều quốc gia trên thế giới phải mất từ 40-80 năm thì việc Việt Nam chỉ cần 1/4 thế kỷ đã tiệm cận được mục tiêu này là kết quả rất đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:

Sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị với Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ người dân và DN. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

 

Việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đã giúp cho DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho NLĐ, là một phương thức tích cực đảm bảo cho việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã duy trì tích cực các giải pháp, biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tham gia BHXH cho NLĐ hoặc tham gia chưa hết số người thuộc diện phải tham gia; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp cố tình lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách của Nhà nước để trốn đóng, chậm đóng BHXH…

Qua theo dõi, chúng tôi thấy BHXH Việt Nam (cơ quan chuyên trách thực hiện chính sách BHXH, BHYT- 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội) đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giúp DN tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT…

Tôi đánh giá cao BHXH Việt Nam triển khai ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số”, trong đó cũng đã giúp người dân vùng bị ảnh hưởng bão, lũ sử dụng thẻ BHYT trên điện thoại thông minh thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB, trong đó có người dân tỉnh Quảng Bình.

Ông Doãn Mậu Diệp- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

Độ bao phủ BHXH tăng ấn tượng

Phải nói rằng, dịch bệnh COVID-19 và bão, lũ liên tiếp xảy ra tại miền Trung- Tây Nguyên đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có công tác phát triển người tham gia BHXH. Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, luôn đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.

Nhìn lại kết quả năm qua, toàn ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên nhiều phương diện. Trong đó, nhiều kết quả đã tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao vị thế ngành BHXH Việt Nam trong nước cũng như quốc tế. Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,1 triệu người, tăng 1,2 điểm phần trăm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW…

Những kết quả mà ngành BHXH đạt được một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn thể CCVC, là những hành động thiết thực mà ngành BHXH chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong năm 2021- năm đầu tiên triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 28, BHXH Việt Nam đã đưa mục tiêu phấn đấu số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28. Những chỉ tiêu này đều cao hơn so với chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi CCVC BHXH Việt Nam phải luôn nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ; đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục tăng cường CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về BHXH…

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng- chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO):

Bước tiến vượt bậc trong CCHC

Cách đây 4-5 năm trở về trước, gần Tết Nguyên đán, những người về hưu như tôi phải đi sớm, xếp hàng nhận tiền “ăn Tết”. Nhưng bây giờ việc này đã đơn giản rất nhiều, không phải mất thời gian, không còn cảnh đi sớm, chờ đợi, xếp số, gọi số nữa… Điều này do công tác cải cách TTHC của ngành BHXH Việt Nam đã được tăng cường trong những năm gần đây.

Từ ví dụ trên, với tư cách là người đang hưởng lương hưu do cơ quan BHXH chi trả và là chuyên gia an sinh xã hội của ILO, tôi đánh giá cao những thành tích BHXH Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ. Công tác ứng dụng CNTT cũng như rà soát, đơn giản hóa TTHC đã được BHXH Việt Nam triển khai thực hiện, được xác định là nhiệm vụ quan trọng, then chốt giúp hoàn thành kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã đổi mới phương thức hoạt động, hiện đại hóa Ngành, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.

Thông qua các cuộc khảo sát, tôi đánh giá cao BHXH Việt Nam đã triển khai 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp và thực hiện các dịch vụ công của Ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, đã hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 cho các TTHC của Ngành, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, DN. Người dùng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet có thể thực hiện các dịch vụ công của ngành BHXH ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là các bước thực hiện rất đơn giản, tiện lợi.

Qua các buổi làm việc với đối tác, chúng tôi đều ghi nhận những thành tựu về hiện đại hóa CNTT của BHXH Việt Nam, đặc biệt ngành BHXH đã tích hợp các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Đơn cử, đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, cấp lại thẻ BHYT cho 2.616 trường hợp do hỏng, mất; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.706 trường hợp; 131 trường hợp đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19.

Thông qua việc hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đã thể hiện sự nỗ lực của ngành BHXH trong công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng Ngành ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn; qua đó góp phần thực hiện Chính phủ số, quốc gia số. Đặc biệt, tháng 11/2020 vừa qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động. Ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số” đã thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, tạo thuận lợi cho người dân, NLĐ tra cứu quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT cũng như minh bạch thông tin trong quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT. Ứng dụng này tạo thuận lợi nhất cho người dân nếu không may mất, hỏng thẻ BHYT… được chăm sóc y tế kịp thời nhất.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội