BHXH, BHYT: Điểm sáng trên con đường “định hướng XHCN”

17/02/2021 01:33 PM


Kinh tế thị trường định hướng XHCN là tên gọi mà Đảng ta đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại cũng như trong lâu dài, giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam xác định là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng vì con người, vì một xã hội ngày càng công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. BHXH, BHYT là một trong những điểm sáng trên con đường đó.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, trong đó lựa chọn mô hình là “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sản phẩm của tư duy đổi mới, thay thế nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp bằng nền kinh tế hỗn hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường mà ở đó kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo.

Ngay từ khi Đảng ta đề ra đường lối này đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí một số thế lực thù địch, các thế lực phản động, cực đoan còn quả quyết rằng, kinh tế thị trường không bao giờ song hành XHCN. Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng XHCN; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Cũng trong hơn 30 năm qua, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, có nhiều đặc điểm của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện cam kết hội nhập quốc tế.

Trên con đường định hướng XHCN đã và đang có nhiều mảng sáng về an sinh xã hội và điểm sáng nổi bật là chủ trương, chính sách, kết quả của công tác BHXH, BHYT. Điều này được thể hiện rất rõ tư duy lý luận của Đảng, Nhà nước ta về BHXH, BHYT đều theo sát và gắn với quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế:

Cội nguồn và cốt lõi của chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước ta bắt nguồn từ đạo lý của dân tộc Việt Nam, kết tinh trong tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh. Mục đích làm cách mạng của Đảng ta và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu đã rất rõ là làm sao “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Quán triệt quan điểm này, ngay trong những năm tháng đầu thực hiện đường lối đổi mới, bắt tay vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuy nền kinh tế còn rất khó khăn, thiếu thốn, Đảng ta đã đề ra chủ trương và thực hiện cho được chủ trương, chính sách xuyên suốt: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”. Tiếp đó, từ những quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp 1992, đến Hiến pháp 2013 đã phát triển và khẳng định “quyền được đảm bảo an sinh xã hội”. Đó chính là thể hiện quan điểm coi con người là mục tiêu, là trọng tâm của sự phát triển. 

Những kết quả, tăng trưởng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta không ngừng tăng trưởng đã thúc đẩy bước tiến liên tục của nền an sinh xã hội, trong đó nổi lên là công tác BHXH, BHYT. Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị (tháng 11/2012) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 đã khẳng định: “BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội”.

Sáu năm sau đó, tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (Khóa XII) về cải cách chính sách BHXH tiếp tục cụ thể hóa và khẳng định: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Quán triệt và thực hiện các quan điểm của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, nổi bật là: từ chính sách BHXH, BHYT bắt buộc, đến nay chúng ta đã và đang phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm linh hoạt, tự nguyện đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng- hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Từ trong thực tiễn có rất nhiều mô hình hay, cách làm tốt, những tấm gương sáng, những con số ấn tượng về thành tích, kinh nghiệm, cách làm BHXH, BHYT trong cả nước. Vào năm 2012, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém, diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT còn có thiếu sót. Đến năm 2020 đặt ra phải mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Các chính sách, chế độ BHXH, BHYT ngày càng được cụ thể và thực hiện có hiệu quả, diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng nhanh, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức đang được mở rộng; hướng tới áp dụng thêm các loại BHXH mới phù hợp với nhu cầu nhân dân. Tiếp tục duy trì, phát triển tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, trong đó có các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, HSSV, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... là mục tiêu mà các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, các DN, nhất là ngành BHXH Việt Nam đang hướng tới...

Nói tóm lại, đường lối chính sách BHXH, BHYT là vấn đề rất hệ trọng liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Từ ham muốn tột bậc của Bác Hồ “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đến nay, Nhân dân ta chẳng những từng bước được ăn ngon, mặc đẹp, ai cũng được học hành suốt đời, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, văn hóa mà ai cũng có lương hưu, trợ cấp xã hội còn được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe suốt đời, không ngừng được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đó chính là những điểm sáng trên con đường định hướng XHCN.

Năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 90% so với năm 2019, tăng 1,2 điểm phần trăm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015; số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, cao hơn 0,15% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015.

Đặc biệt, chỉ tiêu bao phủ BHYT có bước tăng trưởng ấn tượng: So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội