Mở rộng BHXH đối với lao động phi chính thức
08/03/2021 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia nên thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, nhằm tăng cường, thực hiện tốt chính sách. Nhờ đó, số lượng NLĐ tham gia BHXH không ngừng tăng lên.
Nhiều tiềm năng
Nhiều nội dung chính sách được bổ sung, sửa đổi (đặc biệt là đối với BHXH tự nguyện) đã tạo cơ hội thuận lợi cho NLĐ trong khu vực chính thức và phi chính thức tham gia BHXH và số người tham gia BHXH theo đó cũng không ngừng tăng lên. Giai đoạn 2012- 2016, bình quân mỗi năm tăng 5,45%, (từ 10,565 triệu người tăng lên 13,065 triệu người vào năm 2016); giai đoạn 2017- 2019, số người tham gia BHXH bình quân mỗi năm tăng 6,48%, đạt 15,774 triệu người vào năm 2019 (chiếm 31,9% lực lượng lao động trong độ tuổi) và đến năm 2020, số người tham gia BHXH đã đạt trên 16 triệu người (chiếm 33% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Mặc dù vậy, ở Việt Nam, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức chủ yếu là hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp và các tổ hợp tác với nhiều nhóm lao động khác nhau làm việc như: chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có thuê lao động, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương (có HĐLĐ và không có HĐLĐ) và lao động gia đình. Như vậy, làm việc trong khu vực phi chính thức có cả lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nếu lao động có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên) và lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2020, cả nước có khoảng 20,3 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và chủ yếu làm trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ lao động trung niên tuổi từ 35 trở lên làm việc trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với tỷ lệ này ở khu vực chính thức. Năm 2020, số lao động từ 35 tuổi trở lên làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70%. Cơ hội để những lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí sẽ tăng lên, nếu chính sách BHXH quy định hợp lý về điều kiện số năm tối thiểu đóng BHXH. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trong khu vực phi chính thức hiện nay còn thấp; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn thường có quan hệ xã hội nhận thức và hiểu biết hạn chế về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế này đòi hỏi công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH phải được tăng cường và đổi mới hơn nữa để phù hợp với đặc điểm của NLĐ.
Không chỉ là lao động tự làm mà lao động làm công hưởng lương trong khu vực phi chính thức cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trong khu vực phi chính thức cao cho thấy, việc thúc đẩy nhanh quá trình chính thức hóa khu vực này là biện pháp cơ bản để góp phần mở rộng phạm vi bao phủ BHXH bắt buộc và phát triển việc làm bền vững ở Việt Nam. So với mức thu nhập bình quân tháng của lao động cả nước là trên 6,5 triệu đồng vào năm 2020 thì mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực phi chính thức không quá thấp, đạt 5,4 triệu đồng. Ở mức độ nhất định, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức đủ năng lực tài chính để tham gia chế độ hưu trí và tử tuất theo quy định hiện hành của chính sách BHXH tự nguyện. Thậm chí, đủ năng lực tài chính để tham gia chế độ hưu trí và tử tuất của chính sách BHXH bắt buộc.
Đồng bộ các giải pháp
Tỷ lệ tham gia BHXH của lao động khu vực phi chính thức hiện nay còn rất thấp. Khi có chính sách và cách thức tổ chức thực hiện chính sách BHXH phù hợp thì số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức sẽ có khả năng gia tăng nhanh chóng. Xác định được tiềm năng này, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu “mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”; đồng thời, đề ra một số nội dung cải cách, trong đó có nhiều cải cách mở rộng cơ hội và điều kiện để thu hút NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH.
Theo đó, thực hiện BHXH tự nguyện dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ NSNN cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ từ NSNN cho người tham gia BHXH tự nguyện nhiều phương thức khác nhau (tăng mức hỗ trợ đóng; tăng mức hỗ trợ hưởng chế độ hưu trí và tử tuất). Cùng với đó, sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Giảm số năm đóng tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí sẽ tăng cơ hội cho nhiều NLĐ tham gia, nhất là lao động trung niên từ 35 tuổi trở lên trong khu vực phi chính thức.
Bên cạnh đó, rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Theo đánh giá, việc mở rộng tham gia BHXH bắt buộc với các nhóm đối tượng nêu trên là phù hợp và khả thi. Nhóm chủ hộ kinh doanh cũng hoàn toàn đủ năng lực tài chính để tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với NLĐ trong khu vực phi chính thức; hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Đây là nội dung cải cách mang tính đột phá về tư duy và quan điểm của Đảng về an sinh xã hội- chú trọng nâng cao năng lực tự đảm bảo an sinh của người dân.
Đối với những người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì Nhà nước thực hiện trợ giúp từ nguồn NSNN để họ được thụ hưởng. Các cải cách này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặt khác, việc nhận thức và có chủ trương thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương phù hợp với lộ trình hiện đại hóa nền kinh tế, lộ trình thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và hướng đến một nền kinh tế không dùng tiền mặt là khả thi, xét trong mục tiêu dài hạn của xây dựng và hiện đại hóa hệ thống BHXH ở Việt Nam.
Ngoài ra, tăng cường và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; đồng thời, thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Bài học kinh nghiệm cho thấy bằng việc giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019- 2021 và thực hiện mở rộng mạng lưới đại lý thu đến thôn, bản, tổ dân phố để tiếp cận NLĐ, số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 đã tăng thêm 280.200 người- nhiều hơn tổng số người tham gia trong 10 năm giai đoạn 2008- 2018; năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đã gấp 2 lần năm 2019 và đạt trên 1,1 triệu người.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số